Cận cảnh hải quỳ “săn” sên biển

Lần đầu tiên trong tự nhiên, các nhà khoa học tại Trung tâm Đa dạng sinh học Naturalis, Hà Lan chụp được loạt ảnh về loài hải quỳ tấn công sên biển có chất độc tại rạn san hô nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bang Sabah, Malaysia.




Quang cảnh rạn san hô ngoài khơi bờ biển phía đông bang Sabah – nơi nhóm nghiên cứu đã dành hơn 3 tuần khảo sát và chụp được loạt ảnh hải quỳ tấn công sên biển. Theo hãng tin BBC (Anh), kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên Tạp chí Đa dạng sinh học biển.



Loài sên biển có chất độc Nembrotha lineolata thuộc một nhánh sên biển Nudibranch trong lớp động vật chân bụng (Gastropod). Hiện có khoảng 3.000 loài sên biển được biết đến trên thế giới.



Trước đây, các nhà khoa học cho rằng sên biển thường là con mồi ưa thích của cá và cua, chưa từng nghĩ nó là thức ăn của hải quỳ (thuộc gia đình hải quỳ Edwardsiidae).



“Chúng tôi đã dành hơn 500 cuộc thám hiểm dưới các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nhưng không quan sát được trường hợp nào về loài hải quỳ ăn sên biển” – cô Sancia van der Meij, một trong những tác giả nghiên cứu, nói trên BBC. Nhưng đến nay, những bức ảnh của nhóm nghiên cứu đã chứng minh được điều này.



Hải quỳ là những kẻ thừa cơ hội để kiếm ăn. Chúng bắt những động vật phù du, cá, cua và nhím biển bơi ngang qua bằng những xúc tu có ngòi châm nọc độc.



Trong trường hợp này, con sên biển rất may mắn đã thoát được và để lại một vệt dài chất nhờn trên cơ thể hải quỳ, điều này cho thấy hải quỳ muốn “xơi tái” sên biển có nọc độc cũng không hề dễ dàng. Tổng thời gian các nhà khoa học quan sát được hải quỳ tấn công sên biển và sên biển vùng vẫy thoát được mất 7 phút.



Nhóm nghiên cứu của cô Meij cũng đã quan sát được một con sên biển Phyllidia ocellata nằm bất động trong các xúc tu của hải quỳ. Số phận của con sên biển này vẫn còn là một bí ẩn, nó không trốn thoát được nhưng cũng không bị tiêu hóa trong thời gian họ nghiên cứu.

 Các nhà khoa học nhận định, cả hai trường hợp hải quỳ tấn công sên biển trên hé lộ chế độ ăn và mối quan hệ tương tác ít được biết đến của 2 loài sinh vật biển này.

Theo VNN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN