01:09 23/01/2015

Anh, Mỹ cam kết sát cánh cùng Iraq chống IS

Anh và Mỹ đã cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống lực lượng IS hiện đang chiếm giữ một vùng đất lớn trên lãnh thổ của cả Iraq và Syria.

Anh và Mỹ đã cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang chiếm giữ một vùng đất lớn trên lãnh thổ của cả Iraq và Syria.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 22/1 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Anh sau hội nghị do Ngoại trưởng hai nước Anh, Mỹ đồng chủ trì, với sự tham gia của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cùng quan chức 18 nước chủ chốt thuộc liên minh quốc tế chống IS, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết những vụ tấn công tồi tệ tại Paris (Pháp) mới đây nhắc nhở chúng ta rằng cuộc chiến chống IS không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới Iraq và Syria mà tư tưởng độc hại của nó đang đe dọa người dân nhiều nước, trong đó có Anh và các nước đồng minh.

Theo lời Ngoại trưởng Anh, việc có tới hơn 60 nước tham gia liên minh toàn cầu chống IS cho thấy ý chí và cam kết quốc tế đánh bại mối đe dọa này. Hội nghị đã xem xét và thảo luận các biện pháp nhằm làm suy yếu và tiến tới đánh bại IS, không chỉ thông qua sức mạnh quân sự mà còn qua các nỗ lực phối hợp khác như triệt tiêu các nguồn cung cấp tài chính cho tổ chức này và ngăn chặn làn sóng chiến binh nước ngoài gia nhập IS.

Ngoại trưởng Anh (trái), Mỹ và Thủ tướng Iraq (giữa) họp báo sau hội nghị.


Hội nghị đã nghe Tướng thủy quân Mỹ John Allen, hiện điều phối các nỗ lực quốc tế chống IS, báo cáo cập nhật về tiến độ tái thiết, tái trang bị và tái đào tạo các lực lượng an ninh Iraq để giúp họ có thể dần dà tự đảm đương sứ mệnh chiến đấu chống IS và giành lại chủ quyền trên tất cả lãnh thổ Iraq.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng xem xét cách thức hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này do sự trỗi dậy của IS gây ra ở Iraq và Syria, đề cập việc lập một quỹ trang trải và bình ổn để giúp các nạn nhân. Hội nghị khẳng định quyết tâm của liên minh không chỉ đánh bại IS mà cả tư tưởng nền tảng của nó, không chỉ ở Iraq và Syria mà còn ở bất cứ nơi nào tồn tại tư tưởng cực đoan này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu bật việc liên quân quốc tế đã thực hiện hơn 2.000 vụ oanh kích nhằm vào các mục tiêu của IS, không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng và các kho dự trữ của tổ chức này mà còn giúp các lực lượng chiến đấu trên bộ tại Iraq giành lại được khoảng 700 km2 đất đai từ IS.

Khẳng định "cơn thủy triều" IS tại Iraq đã được chặn lại song ông Kerry cho rằng vẫn cần có nhiều việc phải làm để đánh bại hoàn toàn tổ chức này, đồng thời cho biết Mỹ sẽ sớm cung cấp 250 xe thiết giáp chống mìn và "một số lượng lớn" súng trường M16 cho các lực lượng Iraq.

Cũng có mặt tại cuộc họp báo, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhấn mạnh với sự hỗ trợ của liên minh quốc tế, các lực lượng quân đội Iraq đã đạt nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống IS. Bên cạnh đó, Iraq cũng đang xây dựng dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước Arab. Sự tham gia của hơn 60 nước, trong đó có nhiều nước Arab, vào liên minh quốc tế chống IS giúp củng cố niềm tin của Iraq rằng nước này không đơn độc.

Thru tướng Al-Abadi cũng cho biết ông đã kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ liên quân trong bối cảnh Chính phủ Baghdad đang phải đối mặt với nguy cơ "sụp đổ ngân sách" do nguồn thu từ dầu mỏ, đóng góp tới 85% cho ngân sách và kinh tế Iraq, đang giảm mạnh vì giá dầu thế giới lao dốc. "Điều này là một thảm họa cho chúng tôi", ông Al-Abadi nói. "Chúng tôi không muốn thành quả quân sự của mình bị đảo ngược bởi các vấn đề tài khóa và ngân sách".

Đây là lần đầu tiên liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu nhóm họp kể từ sau vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tại Pháp hôm mùng 7/1 và các vụ bắt cóc con tin sau đó khiến 17 người thiệt mạng.

Tham gia hội nghị một ngày này ngoài Anh, Mỹ, Iraq còn có đại diện các nước Australia, Bahrain, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Đức, Italy, Jordan, Kuwait, Hà Lan, Na Uy, Qatar, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.


Đỗ Sinh
(P/v TTXVN tại London)