12:11 08/12/2010

Ấn tượng Hàn Quốc

Đoàn nhà báo TTXVN chúng tôi đến thủ đô Xơun khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), do Hàn Quốc đăng cai, vừa kết thúc tốt đẹp. Từ tầng 60 của tòa cao ốc 63 tầng nhìn xuống, sông Hàn xanh mơ thơ mộng giữa nắng vàng rét ngọt đầu đông.

Đoàn nhà báo TTXVN chúng tôi đến thủ đô Xơun khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), do Hàn Quốc đăng cai, vừa kết thúc tốt đẹp.

Từ tầng 60 của tòa cao ốc 63 tầng nhìn xuống, sông Hàn xanh mơ thơ mộng giữa nắng vàng rét ngọt đầu đông. Hai bên bờ sông chảy qua Xơun dài khoảng 40 km là những khu phố sầm uất, san sát những tòa nhà cao tầng lộng lẫy được trang điểm bằng những hàng cây phong đỏ rực cùng với những cây ngân hạnh lá vàng như tơ. Ngay sát bờ sông là những khuôn viên, vườn cây, thảm cỏ được thiết kế hài hòa với cảnh sông nước và đường phố, trông tựa như bức tranh thủy mạc khổng lồ thời công nghiệp hóa của xứ sở kim chi. Dọc theo các tuyến phố, hai bờ sông và trên cầu, từng dòng ô tô nối đuôi nhau hối hả ngược xuôi. Đất chật, người đông nhưng trong quy hoạch xây dựng thủ đô, Hàn Quốc vẫn quan tâm lưu giữ và xây dựng mới các hồ nước gắn liền với các công viên, rừng cây, đặc biệt là khai thác triệt để thế mạnh của hai bờ sông Hàn.

Một góc nhà máy đóng tàu tại thành phố công nghiệp Ulsan-Ảnh TTTXVN

Từ cuối những năm 1990, hai bờ sông Hàn ở Xơun đã được xây dựng xong theo quy hoạch kiến trúc vừa hiện đại vừa thân thiện với môi trường. Nối hai bờ sông có tới 28 cây cầu tầm cỡ như cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng ở Hà Nội... Cứ khoảng 1,5 - 2 km lại có một cây cầu bắc qua sông phục vụ việc đi lại của gần 10 triệu dân Xơun cùng hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Người dân Hàn Quốc nói chung và Xơun nói riêng rất đỗi tự hào về ''Kỳ tích sông Hàn''!

Gắn liền với ''Kỳ tich sông Hàn'', giữa lòng thủ đô có một công trình đồ sộ làm thay đổi hẳn diện mạo của Xơun thời công nghiệp hóa và mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho thành phố. Đó là dự án cải tạo gần 6 km của con kênh Cheonggye dài hàng chục km. Theo tiếng Hàn, Cheonggyecheon có nghĩa là dòng kênh sạch - một kênh thoát nước thải tự nhiên của thành phố từ thế kỷ XV, chảy từ tây sang đông, xuyên qua trung tâm thành phố trước khi đổ ra nhánh phụ Jungnangcheon của sông Hàn.

Được biết, trong những năm cuối thế kỷ XX, cùng với chức năng là hệ thống xả nước thải tự nhiên giống như sông Tô Lịch ở Hà Nội, kênh Cheonggye cũng là nơi cư trú cho nhiều người dân di cư sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 và sau đó trở thành nơi buôn bán của mấy trăm ngàn người. Hàng loạt ngôi nhà ''ổ chuột'' nửa bám trên mặt đất, nửa cắm xuống lòng kênh cùng với chất thải sinh hoạt của cả khu vực, làm cho dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều đoạn của kênh Cheonggyecheon đã bị san lấp hoàn toàn vào năm 1958 và biến thành đường phố.

Tháng 7/2003, chỉ hơn một năm sau khi được bầu làm Thị trưởng Xơun, ông Lee Myung-bak (hiện là Tổng thống Hàn Quốc) đã chỉ đạo triển khai dự án cải tạo kênh Cheonggyecheon. Hàng chục vạn lượt công nhân đã làm việc không kể ngày đêm suốt hơn hai năm để đào bốc hàng chục vạn tấn bê tông, nhựa đường, xây dựng lại 21 chiếc cầu và bơm nước vào dòng kênh. Dòng kênh được hồi sinh với làn nước trong xanh. Chúng tôi đã có dịp tham dự lễ hội đèn lồng ở hai bên bờ của đoạn kênh gần khách sạn Koreana. Có tới ngót vạn người lớn, trẻ em hân hoan vui chơi bên bờ kênh nước chảy trắng xóa từ trên cao 3 - 4 mét.

Hàn Quốc còn có một hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy hiện đại và đồng bộ. Các tuyến đường quốc lộ từ Xơun tới các tỉnh biên giới phía bắc và phía nam được thiết kế với mỗi bên từ 4 - 6, thậm chí tới 8 làn xe ô tô chạy, với tốc độ khoảng 90km/giờ. Với điều kiện tự nhiên 75% là đồi núi, Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về đào hầm đường bộ xuyên núi, bắc cầu qua núi và xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong lòng đất núi. Ngay tại Xơun cũng có nhiều hầm đường bộ dài từ 1- 3 km. Trên các tuyến đường bộ chỉ thấy ô tô các loại nối đuôi nhau rất trật tự, không hề có cảnh ô tô bóp còi inh ỏi hay phóng nhanh vượt ẩu. Đáng chú ý nữa là hầu hết ô tô chạy trên đường là sản phẩm của các hãng trong nước như Hyundai, Kia, Daewoo, Sam Sung... Thỉnh thoảng mới thấy loại xe đắt tiền của các hãng nước ngoài như Mercedes, BMW, Bentley... Trong hơn 10 ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi không nhìn thấy vụ tai nạn đường bộ nào, cho dù rất hiếm bóng cảnh sát giao thông.

Thủ đô Xơun có hệ thống tàu ngầm hiện đại, với 9 tuyến. Tàu ngầm chạy với tốc độ khoảng 100km/giờ và chỉ dừng 20- 30 giây ở mỗi ga. Phần lớn người dân đi lại trong thành phố bằng tàu điện ngầm, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm an toàn.

Với hệ thống đường không phát triển, từ Xơun tới thành phố công nghiệp Ulsan ở phía nam chỉ mất chừng 40 phút. Thủ tục mua vé lên máy bay tuyến nội địa ở đây chỉ chừng 5 phút. Từ lúc vào cửa sân bay đến khi máy bay cất cánh chỉ chừng 15 phút.

Chúng tôi có dịp đến thăm nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai tại Ulsan - một trong bảy thành phố công nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc - và Samsung Electronics, bộ phận lớn nhất của Tập đoàn Samsung. Từ văn phòng đến các khu sản xuất của Hyundai và Samsung đều sạch như phòng thí nghiệm và đẹp như công viên.

Nằm trên bán đảo Triều Tiên, đất không rộng (diện tích tự nhiên trên 99.000 km2), nghèo tài nguyên thiên nhiên, dân số không đông (hiện khoảng 48 triệu người) lại phải trải qua chiến tranh, nhưng chưa đầy 4 thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa với trọng tâm là phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp mũi nhọn theo hướng tập trung cho xuất khẩu, Hàn Quốc đã làm nên “Kỳ tích sông Hàn”, trở thành ''con rồng châu Á'', lọt vào nhóm G20. Từ một nước nông nghiệp điển hình, đến nay, Hàn Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm 5 – 6% và là một nước công nghiệp phát triển, với thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 11.000 USD/năm và phấn đấu đến năm 2013 đạt 20.000 USD/năm.

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Năm 2009, hai nước đã nâng quan hệ lên tầm "Đối tác hợp tác chiến lược".

Khi đoàn nhà báo TTXVN chúng tôi làm việc với Hãng thông tấn YONHAP của Hàn Quốc, ông Park Jung - Chan, Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm xuất bản Thông tấn xã YONHAP, tâm đắc: Cùng nằm ở khu vực Đông Á, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Ông bày tỏ vui mừng trước việc mối quan hệ giữa hai nước trở nên tốt đẹp, trong đó có quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai hãng thông tấn YONHAP và TTXVN. Ông cũng tin tưởng rằng, trong những năm tới, mối quan hệ giữa hai hãng thông tấn sẽ tiếp tục được tăng cường, mở rộng hợp tác về nhiều mặt, góp phần quan trọng củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Hàn.

Quang Liên /TTXVN