10:23 30/10/2012

Ẩn họa từ phiến quân Libi

Tại Libi, đất nước vừa trải qua cuộc thay đổi chế độ với một nhân tố quan trọng là các nhóm phiến quân xuất thân từ các họ tộc, bộ lạc và khu vực sinh sống khác nhau, rất khó để dung hòa các thế lực cũ và mới.

Tại Libi, đất nước vừa trải qua cuộc thay đổi chế độ với một nhân tố quan trọng là các nhóm phiến quân xuất thân từ các họ tộc, bộ lạc và khu vực sinh sống khác nhau, rất khó để dung hòa các thế lực cũ và mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các nhóm phiến quân được coi là mối đe dọa lớn đối với tất cả các lực lượng chính trị trong nước.


 

Một nhóm phiến quân ở Libi. Ảnh: Internet

 

Có thể thấy rõ thách thức trên trong tuyên bố của tân Thủ tướng Ali Zaydan, mới được Quốc hội Libi ủy quyền thành lập chính phủ mới sau khi người tiền nhiệm Mustafa Abu Shagur không thể hoàn thành trọng trách này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội sau khi đắc cử, ông Zaydan nhấn mạnh an ninh là “ưu tiên hàng đầu”, trong đó có việc thành lập lực lượng quân đội và cảnh sát chuyên nghiệp cũng như tìm ra một giải pháp để giải quyết các khó khăn hiện nay của đất nước do các nhóm phiến quân gây ra.


Báo As-Safir của Libăng số ra mới đây cho rằng, người dân Libi phải lạc quan lắm mới tin được rằng ông Zaydan có thể thuyết phục được các nhóm phiến quân hạ vũ khí. Công chúng Libi ngày càng thất vọng khi phải chứng kiến cuộc xung đột giữa quyền lực của các nhóm phiến quân và mệnh lệnh của chính phủ. Chính quyền trung ương thậm chí còn phải dựa dẫm vào các nhóm phiến quân để khôi phục ảnh hưởng tại một số khu vực.


Sự quản lý lỏng lẻo của chính phủ, sự mở rộng ảnh hưởng của các tay súng được các bộ lạc, các khu vực hay các nhóm Hồi giáo hậu thuẫn, và tình trạng căng thẳng trên các đường phố đã đẩy Libi vào tình trạng tương tự như một cuộc nội chiến giữa các bộ lạc vũ trang, trong khi các quan chức chính phủ như những hiệp sĩ chống cối xay gió trong một cuộc chiến không cân sức.


Giới quan sát cả trong lẫn ngoài Libi đều thống nhất với nhận định rằng, chính phủ không thể đảm bảo các điều kiện an ninh tối thiểu để chống lại các nhóm phiến quân vốn hoạt động không tuân theo bất kỳ khuôn khổ trách nhiệm nào. Trong bài viết nhan đề "Sự cai trị của các nhóm phiến quân tại Libi”, tạp chí The National Interest (Mỹ) cho rằng, dấu hiệu về sự yếu kém của chính quyền trung ương trước các nhóm phiến quân là vụ tấn công của nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al-Shariah vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi hồi tháng 9 vừa qua, khiến Đại sứ Christopher Stevens thiệt mạng. Chính phủ Libi lúc đó đã buộc phải dựa vào một nhóm phiến quân khác để đẩy lùi những kẻ tấn công.


Đại sứ Mỹ Stevens không phải là nạn nhân duy nhất của các nhóm phiến quân ở Libi. Xung đột giữa các nhóm phiến quân tại Mizdah, al-Zintan và các nơi khác đã khiến hơn 200 người bị thiệt mạng. Tại Tripôli, các nhóm phiến quân Hồi giáo theo dòng chính thống đã tấn công các khu mộ và đền thờ của người Hồi giáo Sufi, trong khi lực lượng an ninh không dám can thiệp, dù Bộ Nội vụ đã có lệnh.


Bạo lực nhất phải kể đến cuộc xung đột mới đây giữa các nhóm phiến quân ở Bani Walid và Misrata. Bani Walid, nơi được cho là thành lũy cuối cùng của những người ủng hộ chế độ của cố lãnh đạo Moamer Kadhafi, đã bị các nhóm vũ trang đến từ Misrata vây hãm trong suốt hơn 2 tuần lễ nhằm quét sạch "các tàn dư của chế độ Kadhafi". Trong khi đó, nhóm dân quân Bani Walid tuyên bố "những kẻ xâm lược" sẽ phải bước qua xác họ để tiến vào thành phố.


Trong một bài báo mới đây đăng trên tờ The New York Times (Thời báo New York), nhà báo David Kirkpatrick cho rằng, các nhóm phiến quân hiện là “lực lượng cảnh sát” duy nhất ở Libi. Trong khi đó, chính phủ Libi đang hàng ngày phải vật lộn để kiềm chế lực lượng này.


Theo ông Fred Abrahams, cố vấn đặc biệt về Libi của tổ chức "Theo dõi nhân quyền" (HRW), việc giải quyết tình trạng “Nhà nước của các nhóm phiến quân” là điều hết sức cần thiết và phải được ưu tiên hàng đầu trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay có thể đẩy Libi vào một vòng xoáy bạo lực mới.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairô)