06:15 26/06/2011

Ân hận vì bỏ bê việc học

Vợ chồng tôi sinh 2 cháu gái. Vì muốn có con nối dõi nên chồng tôi động viên tôi sinh thêm một đứa nữa với hy vọng đó là con trai. Biết làm như thế là không đúng nhưng vì sức ép gia đình nhà chồng, tôi phải sinh thêm lần nữa...


Vợ chồng tôi sinh 2 cháu gái. Vì muốn có con nối dõi nên chồng tôi động viên tôi sinh thêm một đứa nữa với hy vọng đó là con trai. Biết làm như thế là không đúng nhưng vì sức ép gia đình nhà chồng, tôi phải sinh thêm lần nữa. Thật may, đứa thứ 3 là trai. Chồng và bố mẹ chồng tôi toại nguyện vì đã có thằng cháu đích tôn.

Từ lúc thằng bé được sinh ra, nó đã được cả nhà, đặc biệt là ông bà cưng chiều hết mực. Cũng từ đó, thằng bé ý thức được tầm quan trọng của mình trong gia đình nên ra sức đòi hỏi. Hệ quả là khi lớn, cu cậu chểnh mảng việc học, mà chỉ lo chơi. Đợt thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi, cháu không làm được bài trong hầu hết các môn thi. Trước đó, trong thời gian ôn tập, tôi đã nhắc nhớ cháu chuyện bài vở, song phần vì không có thời gian kèm cặp, phần vì ông bà nuông chiều, nên cháu lơ là việc học. Mặc dù chưa công bố kết quả nhưng tôi nghĩ rằng con mình sẽ trượt.

Ảnh minh họa


Sau kỳ thi, trong khi các bạn cùng trang lứa đi ôn thi ĐH, CĐ thì con tôi nằm dài ở nhà với tâm trạng buồn rầu chán nản. Cháu tâm sự với tôi rằng: Đến giờ phút này cháu thấy thật sự ân hận vì những ngày qua đã bỏ bê việc học. Thấy các bạn nói chuyện thi trường này, trường nọ mà cháu thấy tự ti.

Cháu đang trong tình cảnh mất phương hướng. Tôi rất muốn giúp cháu thoát khỏi tình trạng này nhưng chưa biết làm thế nào vì ngay chính bản thân tôi cũng đang rất buồn chán sau kỳ thi tốt nghiệp chẳng lấy gì làm khả quan của cháu.

Nguyễn Lệ Hà(Hà Nội)

Có thể giờ này đây, tâm trạng của chị và cháu chẳng lấy gì làm vui vẻ vì bài thi cháu làm không tốt. Tuy nhiên, hy vọng chưa phải là đã hết vì cho đến thời điểm này kết quả thi vẫn chưa được công bố. Còn trong tình huống xấu nhất, điểm bài thi không đạt yêu cầu thì cũng không phải là điều quá bất ngờ với gia đình chị. Từ chỗ nhận ra cái sai, cháu sẽ tìm ra hướng đi cho riêng mình để sửa cái sai đó.

Nếu trượt tốt nghiệp thì cũng có nghĩa là cháu không được tham dự kỳ thi ĐH, CĐ năm nay. Do vậy, việc làm cần kíp trước mắt là gia đình cần động viên, tạo điều kiện cho cháu tham gia ôn tập để cháu có thể tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp lần sau.

Chị nên thường xuyên bên con để động viên cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Không thể chỉ vì kết quả thi của con không tốt mà chị cũng buồn theo cháu, cũng không nên mắng mỏ cháu về việc này. Thực ra, con đường học hành của cháu chưa phải là đã hết, cánh cửa đại học chưa hẳn là đã khép lại nếu cháu thực sự ân hận về những gì đã qua để chú tâm vào việc học.

Hiền Hòa