01:14 03/01/2015

An cư cho đồng bào di cư tự do

Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, chiếm 33% dân số toàn tỉnh.Là địa phương có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hoà, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày...

Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, chiếm 33% dân số toàn tỉnh. Là địa phương có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hoà, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, nên từ nhiều năm nay, Đắk Lắk thu hút ngày càng đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch vào làm ăn sinh sống.

Di cư tự do đã giảm

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đồng bào di cư (nói chung) đến Đăk Lắc có nhiều yếu tố tích cực trong việc phân bổ lại dân cư, bổ sung cho các địa phương một lực lượng lao động dồi dào để phát triển kinh tế, đồng thời, đồng bào di cư đến cũng mang đến nhiều bản sắc văn hoá vùng miền làm tăng thêm vốn văn hoá đa dạng, phong phú góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Những con đường vào các khu định cư đã được mở. Ảnh: Dương Giang


Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự do cũng mang lại cho Đắk Lắk nhiều bất cập, nhất là gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng nhanh tỷ lệ hộ nghèo (đồng bào nghèo đói mới di cư tự do), gia tăng các nhu cầu về y tế, giáo dục, giao thông…. Nghiêm trọng hơn, đồng bào di cư tự do luôn đi liền với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất. Chỉ riêng từ năm 2008 đến nay, đồng bào di cư tự do đã chặt phá, lấn chiếm trên 14.159 ha rừng tự nhiên để sản xuất.

Thôn Ea Bra, xã vùng sâu Ea Trang (huyện Ma Đ’rắk) được hình thành từ năm 2010, với 169 hộ, 841 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông của 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang di cư đến. Xã đã hai lần tổ chức đưa đồng bào ra khỏi rừng để hình thành khu dân cư mới, nhưng đồng bào vẫn vào sâu trong rừng phá rừng tự nhiên trái phép, lấy đất làm nương rẫy. Ông Thào A Tờ, 65 tuổi, ở thôn Ea Bra cho biết, ở Lào Cai, do thiếu đất sản xuất, gia đình ông quá nghèo khổ. Năm 2004, gia đình ông gồm 8 người di cư vào đây sinh sống. Vẫn biết phá rừng là sai, là vi phạm pháp luật nhưng không phá thì không có đất để sản xuất lúa, màu, không có cái ăn. Ông mong chính quyền địa phương sớm cho nhận rừng tự nhiên quản lý, bảo vệ để tăng thêm thu nhập không phá rừng trái phép nữa…

Con em đồng bào di cư được học hành. Ảnh: Dương Giang


Còn tại huyện Ea Súp, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do đã khiến cho hàng ngàn ha rừng nguyên sinh biến thành các khu sản xuất, khu dân cư. Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện nay vẫn còn trên 120 hộ đồng bào Mông di cư tự do ở các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm đang sinh sống bất hợp pháp trong các vùng rừng cấm, vùng rừng quy hoạch nhưng huyện không biết phải di dời đồng bào về đâu vì huyện không có điều kiện, không có nguồn lực để mở ra các dự án mới, đành “lực bất tòng tâm”…

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 đến nay, có gần 60.000 hộ, với 289.808 khẩu của trên 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư tự do đến cư trú ở 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, trong đó, di cư tự do nhiều nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc. Từ năm 2005 đến nay, số hộ đồng bào di cư tự do ngày càng giảm. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay chỉ có 1.503 hộ, với 7.578 khẩu của các tỉnh, thành di cư tự do, bình quân mỗi năm chỉ còn 167 hộ di cư đến, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh phía Bắc di cư đến giai đoạn này chỉ còn 1.437 hộ, 7.377 khẩu.

Ổn định đời sống cho đồng bào

Tỉnh Đắk Lắk xác định: Ổn định dân di cư tự do là vấn đề cấp bách trong chiến lược ổn định và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cần phải có sự tham gia của tất cả các cấp từ Trung ương đến chính quyền cơ sở.

Xây dựng các khu định cư tập trung cho đồng bào di cư tự do.
Ảnh: Dương Giang


Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đối với các hộ dân di cư tự do giai đoạn 1976 - 1995 cơ bản đã ổn định đời sống, chỉ còn giai đoạn từ 1996 đến nay là chưa ổn định. Tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt 15/17 dự án quy hoạch đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 5.762 hộ, với 25.927 khẩu, tổng kinh phí 670.172 triệu đồng, trong đó, Trung ương đầu tư 490.708 triệu đồng, địa phương 179.464 triệu đồng. Còn lại 765 hộ, với 3.442 khẩu tỉnh đã lập 2 dự án, có tổng vốn đầu tư 141.250 triệu đồng, nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt. Hiện nay, do thiếu vốn, nên tỉnh Đắk Lắk chỉ mới triển khai 11/15 dự án.

Tuy chưa hoàn thành, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đời sống đồng bào di cư tự do vào sinh sống trong các vùng dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân mỗi hộ gia đình được cấp 400 m2 đất sản xuất, 40% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được chăm lo khám chữa bệnh miễn phí; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, chất lượng dạy và học được nâng lên. Tại các vùng nông thôn thực hiện 11 dự án ổn định đồng bào di cư tự do, tỉnh cũng đầu tư xây dựng được gần 225 km đường giao thông nông thôn, hàng chục cầu, cống các loại, hàng trăm phòng học các cấp, 6 công trình thuỷ lợi, trạm xá, điện chiếu sáng… từng bước phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào.

Song song với việc ổn định đời sống cho đồng bào di cư tự do, tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo các địa phương kịp thời phát hiện số dân di cư mới đến địa phương, lâm phần thuộc đơn vị quản lý và có biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó có các dự án quy hoạch bố trí, ổn định dân di cư tự do; chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình phát triển sản xuất, đời sống của đồng bào ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng dân cư chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương.

Hàng năm xây dựng kế hoạch sắp xếp dân cư, căn cứ kinh phí đầu tư của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên cùng địa bàn, bố trí vốn phù hợp với tiến độ của dự án đã được phê duyệt để giải quyết cơ bản kịp thời nhu cầu về hạ tầng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân như: giao thông, khai hoang xây dựng cánh đồng ruộng nước, điện, nước sinh hoạt, các công trình y tế, giáo dục…theo định hướng xâydựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc yên tâm định cư, sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất tại các vùng quy hoạch….

Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương cần tăng ngân sách đầu tư cho chương trình bố trí, sắp xếp dân di cư tự do ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, xem xét cho tỉnh Dắk Lắk được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và đất thổ cư ở những nơi dân di cư đến ngoài kế hoạch đã ổn định nơi ở và sản xuất. Hạn chế không cấp đất ở, đất sản xuất (tiến đến cấp đất có thu tiền), hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội đối với dân di cư tự do sau thời điểm 31/12/2013, nhằm tránh những so bì giữa các nhóm dân tộc, cũng như không tạo “động cơ” cho dân di cư tự do di cư nội vùng và lợi dụng chinh sách để trục lợi. Các tỉnh có dân di cư tự do phải có biện pháp tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng dân di cư tự do. Những vùng đồng bào có nguyện vọng ra đi, thì tỉnh đó phải xây dựng kế hoạch báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành để bố trí theo kế hoạch của Nhà nước.

Quang Huy