09:16 06/09/2012

'Amip ăn não' không lây từ người sang người

Để hiểu rõ hơn về cơ chế và tác nhân gây bệnh cũng như cách phòng, chống bệnh "amip ăn não người", phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Trước thông tin một bệnh nhân tại Phú Yên tử vong do amip ăn não người đang gây hoang mang dư luận, Bộ Y tế đã có thông báo về bệnh viêm não - màng não do đơn bào Naegleria fowleri gây ra. Để hiểu rõ hơn về cơ chế và tác nhân gây bệnh cũng như cách phòng, chống bệnh, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

 

* Phóng viên (PV) : Xin ông cho biết về cơ chế xuất hiện bệnh viêm não do amip lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam?

 

Amip ăn não người trên kính hiển vi. Nguồn: Internet.

 

* Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Bệnh viêm não - màng não do đơn bào Naegleria fowleri (amip ăn não người) là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (1962 - 2011), Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 - 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não - màng não do Naegleria fowleri.

 

Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nước ngọt ấm áp nhiệt độ 46 độ C. Tuy nhiên người ta vẫn phát hiện amip này ở nhiệt độ cao hơn 50 – 56 độ C. Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não - màng não. Loại “amip ăn não người” này thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não, gây viêm màng não. Amip này không xâm nhập vào người qua đường miệng; đặc biệt bệnh không lây từ người này sang người khác.

 

* PV: Xin ông cho biết mức độ nguy hại của amip này đối với sức khỏe người dân và cộng đồng, nhất là nguy cơ lây nhiễm tại các bể bơi, sông hồ?

 

* Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Tác nhân gây bệnh này thấy phổ biến trong các môi trường như: ao, hồ, sông, suối…, tuy nhiên mức độ lây nhiễm sang người là rất thấp. Người ta tính ở một số Bang ở Nam Mỹ, hàng năm có tới hàng trăm triệu lượt người phải tắm, lao động trong môi trường nước nhưng chỉ ghi nhận 1 vài trường hợp mắc mỗi năm. Tuy nhiên khi mắc bệnh, do hiện nay chưa có thuốc điều trị nên tỷ lệ tử vong là rất cao.

 

Người dân không nên quá lo lắng khi tới các hồ bơi hay suối nước nóng. Do trong nước không chỉ có mỗi tác nhân amip này mà còn các bệnh về da, viêm mạc mắt nên từ lâu đã có những qui định cụ thể về qui trình xử lý nước tại các hồ bơi, suối nước nóng, đặc biệt có những loại hóa chất được sử dụng để khử khuẩn cho nước. Hiện nay, hầu hết các bể bơi đều thực hiện qui trình xử lý nước này nên người dân có thể yên tâm.

 

* PV: Ông có thể cho biết làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn tác hại của loại amip này đối với cộng đồng?

 

* Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Đặc điểm của amip ăn não người là: Nhờ sở hữu trên 15.700 gen mã hóa protein, “amip ăn não người” có thể tồn tại trong tự nhiên ở ba hình thái. Chúng thường săn đuổi và ăn vi khuẩn giống như các loại amip, hoặc cũng có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi đi tìm môi trường thuận lợi hơn; thậm chí “biến” thành dạng bào nang nếu gặp điều kiện khắc nghiệt.

 

Tất cả nước ao, hồ, suối điều là điều kiện thuận lợi cho aipm phát triển. Tuy nhiên chỉ có 1 loại có thể gây bệnh đó chính là thể trưởng thành, còn các thể khác như nang hoặc roi không có khả năng gây bệnh cho người. Đặc biệt, nó không có khả năng gây bệnh hàng loạt, tạo thành dịch vì amip rất hiếm khi xâm nhập được vào cơ thể con người, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin về loại amip này, cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra.

 

* PV: Trước sự lo lắng và quan tâm của cộng đồng về loại amip tấn công não người gây tử vong nhanh chóng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo như thế nào để cộng đồng yên tâm?

 

* Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình: Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não - màng não. Như đã nói, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh do amip ăn não người là rất thấp, tuy nhiên mỗi người dân cần phải tự bảo vệ mình.

 

Để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao; trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi; sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Đặc biệt, khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

* PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

 

Thu Phương (Thực hiện)