01:09 31/01/2012

Âm thầm làm thiện nguyện

Say mê các hoạt động tình nguyện, vượt lên sự đau đớn của căn bệnh u não, tấm gương Nguyễn Nguyệt Nga đã khiến không ít bạn trẻ khâm phục.

Say mê các hoạt động tình nguyện, vượt lên sự đau đớn của căn bệnh u não, tấm gương Nguyễn Nguyệt Nga đã khiến không ít bạn trẻ khâm phục. Khi nói về mình, cô lại rất kiệm lời. Với Nguyệt Nga, “những điều mình làm chưa có gì to tát; hơn nữa, việc thiện nguyện mình chỉ muốn làm âm thầm thôi”.

Nguyễn Nguyệt Nga đã 16 lần hiến máu tình nguyện.


Phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều năm nay nổi tiếng với những phong trào Đoàn sôi nổi. Đó là sáng kiến “Lợn nhựa tiết kiệm” để gây quỹ hỗ trợ những cựu thanh niên xung phong khó khăn; là phong trào tình nguyện hiến máu nhân đạo; ủng hộ nạn nhân của thảm họa sóng thần- động đất xảy ra tại Nhật Bản… Mỗi điểm sáng hoạt động Đoàn của Đoàn phường Khương Đình luôn gắn với tên tuổi và câu chuyện về cô gái Nguyễn Nguyệt Nga. Cô là một trong 10 gương mặt được nhận giải thưởng dành cho cá nhân tình nguyện viên xuất sắc do Chương trình tình nguyện Liên hợp quốc trao tặng nhân dịp kỷ niệm 10 năm quốc tế người tình nguyện tại Việt Nam đầu tháng 12/2011 vừa rồi.

Tính cách sôi nổi như là tố chất trời cho, khiến Nga bén duyên với hoạt động Đoàn, sớm được bầu vào Ban chấp hành Đoàn phường Khương Đình. 7 tuổi, bố mẹ chia tay nhau, cô phải về sống cùng ông bà ngoại. Giữa năm 2005, khi Nga 25 tuổi, sau một cơn đau đầu khủng khiếp phải vào bệnh viện cấp cứu, giữa lúc đang dẫn chương trình liên hoan Chào mừng ngày Quốc khánh mùng 2-9 của phường, Nga biết tin mình bị u não. Khi hay tin mình bị trọng bệnh, mặc dù là u lành tính nhưng Nguyệt Nga suy sụp thực sự. “Tôi chỉ biết khóc. Nghĩ ngày mai mình sẽ chết thì còn cố gắng học tập, làm việc để làm gì. Hình như bất hạnh mãi không buông tha mình”, Nga nhớ lại lần “xuống dốc tinh thần” quá lớn cách đây hơn 5 năm trước.

Tuy nhiên, nửa năm sau, mổ u não xong, Nga lại tiếp tục công việc của một cán bộ đoàn năng nổ. Suốt 5 năm qua, Nguyệt Nga đã góp phần đưa phong trào đoàn của phường Khương Đình dẫn đầu trong quận Thanh Xuân. Phong trào “Lợn nhựa tiết kiệm” do Nguyệt Nga “khởi xướng” từ năm 2009 đến nay đã thu về được trên 30 triệu đồng. Số tiền này đã được Đoàn phường chi dùng để tặng áo len cho học sinh nghèo, sửa nhà dột nát cho cựu thanh niên xung phong, tặng sổ tiết kiệm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường… Nga cùng Ban chấp hành Đoàn phường đã từng mở quán cà phê, mở cửa hàng bán mỹ phẩm Thái Lan, mở cửa hàng gas thanh niên để gây quỹ hoạt động đoàn, tổ chức cho đoàn viên đi nghỉ mát… Chính Nga cũng đã 16 lần đi hiến máu, là tấm gương cho nhiều đoàn viên trẻ.

Không chỉ tâm huyết với hoạt động đoàn, Nguyệt Nga còn dành nhiều thời gian với nhiều chương trình tình nguyện. Cô gái 32 tuổi này không nhớ nổi bao nhiêu lần đã từng “bị” người khác hỏi “điều gì khiến cô gắn bó với các hoạt động vì cộng đồng đến vậy”. Cô chia sẻ, càng làm nhiều chương trình, càng đi tình nguyện nhiều và gặp nhiều cảnh đời bất hạnh, càng thấy được tiếp thêm động lực để cống hiến và chia sẻ.

Nhiều năm qua, mặc dù mang trong mình căn bệnh u não, Nguyệt Nga vẫn không nề hà, liên tục đi tới nhiều nơi làm công tác thiện nguyện. Với Nga, chuyến đi cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung (tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những kỷ niệm sâu sắc. “Nơi tôi đến là xã Xuân Gia. Khi đó, cả xã cảnh tượng hoang tàn, như một ốc đảo chỉ còn toàn các cụ già, rất thương”. Một lần khác, dự hội thảo về phòng chống HIV/AIDS, Nguyệt Nga tình cờ gặp và biết đến chị Phạm Thị Huệ- người phụ nữ bị nhiễm HIV mà vẫn sống tốt, đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa để góp phần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, giúp cho xã hội bớt kỳ thị người “có H”.
Cứ như thế, những chuyến đi tình nguyện đã mang lại cho cô gái trẻ thêm nhiều nghị lực. Nói về chuỗi ngày và dự định trước mắt, Nguyệt Nga vẫn rất lạc quan và khẳng định sẽ tiếp tục góp sức mình cho các hoạt động vì cộng đồng. Đã qua 2 lần phẫu thuật khối u nhưng bệnh không thể khỏi hẳn, việc tiếp tục phải phẫu thuật chỉ còn là chuyện sớm hay muộn. Nhưng giờ đây, chuyện bệnh tật của bản thân không còn làm Nguyệt Nga suy sụp tinh thần nữa, điều mà cô bận tâm vẫn là “sống thế nào cho ý nghĩa”.

Bài và ảnh: Mạnh Minh