06:08 07/06/2012

Âm nhạc cho thiếu nhi: Bao giờ trở lại... ngày xưa

Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi.

Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi.

 

Những năm 1960-1990 có thể coi là thời hoàng kim của những ca khúc dành cho thiếu nhi, với hàng loạt nhạc sỹ tên tuổi như Phong Nhã, Phạm Tuyên, Mộng Long, Hàn Ngọc Bích, Hoàng Long-Hoàng Lân... Nhưng càng những năm gần đây, âm nhạc thiếu nhi càng thiếu vắng những tác phẩm hay. Trong khi đó, các em ngày càng hát nhiều bài hát người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia li, đau khổ... khiến cho người lớn không khỏi “giật mình”.


Bài 1: Báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn


Càng ngày, tình trạng ca sỹ thiếu nhi hát những bài hát người lớn với những yêu, ghét, hận thù, đau khổ... càng nhiều. Đầu tiên là bé Châu từ khoảng những năm 2004-2005, từ khi mới 6-7 tuổi đã mặc đồ người lớn, đứng trên sân khấu gào thét bài “Trả nợ tình xa” với lời “Dốc hết tình này ta trả nợ đời/Dốc hết tình này ta trả nợ người...” cũng quằn quại không kém gì người lớn. Sau bé Châu, trào lưu trẻ em hát nhạc người lớn cũng phát triển rầm rộ như bé Lon Ton, Thiên Ngân... với bài hát tình yêu sướt mướt. Rồi chuyên nghiệp hơn, gần đây còn xuất hiện cả một nhóm nhạc trẻ con là nhóm HKTM với 3 thành viên bé Hải Âu, bé Hoài Nam và Trùng Dương, được mệnh danh là “thần đồng âm nhạc”. Tuy mới ở độ tuổi 11-14, nhưng nhìn vào danh sách các ca khúc của những “thần đồng” này như “Con trai miền Tây”, “Trả nợ tình xa”, “Trái cấm tình yêu”, “Sao lại nhắn nhầm máy anh”, “Không say không về”, “Anh không yêu em”, “OK! Ta chia tay”... , không ít người lớn phải giật mình, lo lắng.


Không chỉ những ca sỹ nhí bị người lớn lợi dụng kiếm tiền, mà trẻ em ở nhiều gia đình, từ thành thị đến nông thôn hiện nay cũng thường hát vang những bài hát của người lớn. Bạn Hà My, sinh viên trường Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội kể: “Trong một lần về quê thăm ông bà, thấy 2 anh em con chú (đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi) cùng song ca bài “Vầng trăng khóc” với lời hát: “Đã không còn người yêu hỡi, ngày xưa ấy đôi ta bên nhau không rời/ Ngồi trên cát nhìn biển đêm, hát vu vơ mấy câu tình ca/ Trái tim buồn vì thương nhớ, vì đau xót sao đôi ta mau chia lìa/Đời giông bão nhiều đắng cay/cuốn trôi mau biết đâu tình nồng...”, còn chú thím tôi ngồi nghe và vỗ tay cười tán thưởng. Khi tôi thắc mắc sao lại cổ vũ trẻ con hát nhạc người lớn, chú thím tôi bảo, kệ chúng nó, chúng xem tivi rồi bắt chước ấy mà...”.
Trên thực tế, những trường hợp như vậy không phải là hiếm, nhất là ở những vùng nông thôn, người dân không ý thức được việc trẻ em hát bài người lớn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ, mà thấy như thế lại cứ trầm trồ khen con thông minh, giỏi giang. Còn ở những thành phố lớn, bố mẹ đi làm cả ngày, con em ở nhà làm bạn với tivi, hàng ngày được “thưởng thức” những giai điệu trẻ trung và đầy chất ái tình ở tivi nên học hát theo. Chính vì vậy mà rất nhiều ông bố, bà mẹ giật mình khi thấy con em mình “bỗng dưng biết hát” những bài hát người lớn. Một số người, khi thấy trẻ em hát bài không phải của lứa tuổi mình thì cổ vũ nhiệt tình, nhưng cũng có rất nhiều người thì khó chịu vì nghe trẻ em gào thét những ca khúc yêu đương vô cùng phản cảm.


Ngay trong chương trình Vietnam’s Got Talent, một sân chơi trên sóng truyền hình vừa kết thúc đầu tháng 5/2012 đã giới thiệu nhiều tài năng ca hát nhỏ tuổi như Thanh Trúc (8 tuổi), Vũ Đình Tri Giao (9 tuổi), Trần My Anh (11 tuổi)... nhưng cũng có sự lệch lạc. Trong cuộc thi, có nhiều em thiếu nhi không hát những bài hát phù hợp lứa tuổi của mình, nhưng vẫn không bị "tuýt còi". Ví như thí sinh Trần Hoàng Hà hát “The only exception” một ca khúc về tình yêu trắc trở không hề trong sáng với lứa tuổi 13, nhưng BGK cũng không có ý kiến gì, chỉ hết lời khen em có giọng hát thật trong sáng. Rồi Trần My Anh hát “Rolling in the deep” của Adele, một ca khúc về sự tan vỡ trong tình yêu, không phải dành cho một cô bé 11 tuổi, thì BGK cũng chỉ nhận xét ca khúc quá sức với giọng hát của My Anh.


Có nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho việc trẻ em hát những bài hát người lớn như: Không có bài hát phù hợp để hát; không thích hát các bài hát cũ; được người lớn khuyến khích vì tưởng là giỏi, là hay... Nhưng cho dù viện lý do gì thì đây cũng là tình trạng lệch lạc, đáng báo động đối với đời sống âm nhạc của thiếu nhi hiện nay.


Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên dạy nhạc một trường tiểu học ở quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, việc để cho trẻ em hát nhạc người lớn với những ca khúc về tình yêu là lỗi của người lớn. Bởi những ca khúc cho thiếu nhi vừa ít ỏi vừa thiếu hấp dẫn. Từ năm này sang năm khác chúng tôi vẫn phải dạy các em những bài đã quá cũ vì hầu như không có sáng tác mới dành cho thiếu nhi. Trên truyền hình thì nhan nhản các chương trình, sân chơi ca nhạc dành cho người lớn nhưng rất ít chương trình dành cho thiếu nhi. Các em tha hồ nghe và học hát những bài hát người lớn.


Điều đáng nói là, các nhạc sỹ, nhà giáo khi được hỏi đều cho rằng, việc trẻ em hát nhạc người lớn dẫn đến hiện tượng trẻ em bị già trước tuổi, ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành nhân cách của các em sau này. Và việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, vì trẻ em là tương lai của đất nước.


Phương Lan


Bài 2: Thiếu các ca khúc hay