05:19 05/05/2014

Âm mưu chống Nga của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Hành động của chính quyền Obama chứng minh rằng, Mỹ không phải là một đối tác đàm phán chân thành nhằm xoa dịu sự bất ổn ở Ukraine, mà chủ yếu là tận dụng cuộc khủng hoảng này để làm tê liệt nền kinh tế Nga, tạo sự đồng thuận toàn cầu chống lại Moskva, biến Nga thành một "quốc gia bị cô lập".

Hành động của chính quyền Obama chứng minh rằng, Mỹ không phải là một đối tác đàm phán chân thành nhằm xoa dịu sự bất ổn ở Ukraine, mà chủ yếu là tận dụng cuộc khủng hoảng này để làm tê liệt nền kinh tế Nga, tạo sự đồng thuận toàn cầu chống lại Moskva, biến Nga thành một "quốc gia bị cô lập".

 

Ngoài ra, hoạt động tấn công quân sự của Kiev ở phía đông và phía nam của Ukraine thể hiện sự thất bại của hiệp định Geneva ngày 17/4, gây ra một sự phản ứng từ Nga khi NATO triển khai quân tới khu vực.

"Vai trò" của lực lượng cánh hữu


Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chiến dịch đàn áp quân sự đẫm máu tiếp tục diễn ra tại các khu vực có đa số người nói tiếng Nga sinh sống, tình hình ngày càng xấu đi ở Ukraine đã khiến bạo lực gia tăng nhanh chóng. Làn sóng biểu tình ủng hộ liên bang hóa đã tràn qua ít nhất 17 thành phố và thị trấn ở phía đông và phía nam của Ukraine, khi các nhà hoạt động chiếm tòa nhà chính quyền thể hiện sự phản đối của họ với chính phủ lâm thời tại Kiev.

Trực thăng và quân đội Ukraine chuẩn bị thực hiện chiến dịch "chống khủng bố" tại làng Andreevka, gần Slavyansk. Ảnh: CNN


Trong khi đó, quân đội Ukraine với sự tham gia của lực lượng cánh hữu, đã tập trung tấn công vào các thành phố lớn như Slovyansk, Kramatorsk, và Lugansk. Trong cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa và chủ nghĩa dân tộc ở Odessa, có dấu hiệu cho thấy lực lượng cánh hữu đã tham gia một cách đầy bạo lực (phun lửa vào Trung tâm thương mại) tại Odessa, khiến hàng chục nhà hoạt động thiệt mạng.

 

Ở các thị trấn và làng mạc mà quân chính phủ đang bao vây, lực lượng cực hữu bị cáo buộc đã nổ súng vào những nhà hoạt động ủng hộ liên bang hóa không vũ trang, khi họ cố gắng ngăn chặn lực lượng vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan xâm nhập.

Theo Nile Bowie, một nhà phân tích chính trị tại Kuala Lumpur, Malaysia, những diễn biến trên đang cho thấy một điều đáng lo ngại rằng lực lượng cánh hữu, nguồn cơn của chủ nghĩa phát xít và dân tộc cực đoan đã có được vị trí nhất định trong chính phủ tạm quyền tại Kiev. Dmitry Yarosh, một chỉ huy của chiến dịch "chống khủng bố" tại Ukraine tuyên bố rằng tất cả các hành động của lực lượng cánh hữu là có sự phối hợp với chính quyền Kiev. Thỏa thuận đã được dàn xếp tại Geneva ngày 17/4 kêu gọi chấm dứt sự chiếm đóng các tòa nhà chính quyền và giải giáp tất cả các loại vũ khí quân sự bất hợp pháp ở Ukraine đã không được thực hiện bởi cả hai bên, trong khi cuộc tấn công tàn bạo của Kiev đối với các nhà hoạt động ủng hộ ly khai là một sự vi phạm mở rộng của thỏa thuận này.

Giống như các thỏa thuận trung gian vào thời gian trước khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ, lực lượng nổi dậy và sau này lập nên chính phủ tạm quyền tại Kiev đã hoàn toàn không tuân thủ các cam kết của mình để thực hiện các bước làm dịu tình hình. EU và Washington đã cung cấp "vỏ bọc" đạo đức và ngoại giao cho Kiev bất chấp sự không tuân thủ các thỏa thuận Geneva và đổ tất cả trách nhiệm lên vai Moskva. Mặc dù xuất hiện nhiều cáo buộc Moskva trên các phương tiện truyền thông phương Tây và tại Liên Hợp Quốc, nhưng những người ủng hộ chính phủ lâm thời Kiev vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nga hỗ trợ cho người biểu tình hoặc có nhân viên tham gia vào cuộc khủng hoảng ở miền đông và miền nam Ukraine.

Tính 2 mặt của Mỹ và chiến lược ngăn chặn Nga phiên bản 2.0

Cách đây chỉ vài tháng, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ việc chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovich tiến hành đàn áp người biểu tình có vũ trang ở Maidan, nơi cảnh sát chống bạo sử dụng "xe ủi và dùi cui" để giải tán đám đông. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã lên án một chính phủ dân cử, bênh vực những người biểu tình Maidan khi họ chiếm đóng tòa nhà chính quyền và kêu gọi thay đổi chế độ.

Người dân ở Slaviansk mang khẩu hiệu: "Chúng tôi là người dân hòa bình" trước một trạm kiểm soát của quân đội Ukraine ngày 2/5. Ảnh: Reuters


Ngược lại, chính quyền Obama hiện nay đang ủng hộ chính quyền lâm thời Kiev tiến hành đàn áp người biểu tình ủng hộ liên bang hóa, cho rằng hành động quân sự của Kiev như một phản ứng tương xứng và hợp lý đối với sự bất ổn ở miền đông Ukraine.

 

Mỹ và EU giờ đây lại lên án những người biểu tình khi họ chiếm các tòa nhà công cộng, trong khi hoàn toàn ủng hộ chính phủ được thành lập do đảo chính. Điều này cho thấy Washington đang thể hiện sự lừa dối và đạo đức giả. Có các bằng chứng cho thấy rằng CIA và FBI đang tích cực tư vấn cho Kiev tiến hành các hoạt động quân sự ở phía đông Ukraine sau các chuyến thăm gần đây của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và giám đốc CIA John Brennan tới quốc gia Đông Âu này. 

Ông Nile Bowie nhận định, không có gì bí mật rằng Hoa Kỳ đang "giật dây" các sự kiện ở Ukraine. Lập trường đối lập của chính quyền Obama nhằm vào Nga là bằng chứng đủ để cho thấy Washington không xem xét quan điểm của Moskva một cách khách quan. Hành động của chính quyền Obama chứng minh rằng Mỹ không phải là một đối tác đàm phán chân thành trong nỗ lực xoa dịu sự bất ổn ở Ukraine, mà chủ yếu là tận dụng cuộc khủng hoảng này để làm tê liệt nền kinh tế Nga và tạo sự đồng thuận toàn cầu chống lại Moskva.

Tờ New York Times gần đây đã báo cáo về chiến lược mới của chính quyền Obama trong việc đối phó Nga, mô tả sự thay đổi trên là "một phiên bản mới của chiến lược ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh". Theo New York Times, Washington có ý định biến Nga thành một "quốc gia bị cô lập" bằng cách cắt đứt các liên kết kinh tế và chính trị của nước này với thế giới bên ngoài. Nên hiểu rằng Washington đã ngang nhiên can thiệp vào công việc nội Ukraine thông qua việc tài trợ cho lực lượng đối lập chống Nga một cách "hào phóng", tạo điều kiện để thay đổi chế độ ở Kiev, không phê phán chính phủ được thành lập do đảo chính và  giờ đây đang phối hợp để thực hiện chiến dịch đàn áp những người biểu tình ly khai. Đó rõ ràng là sự vi phạm các điều khoản đã cam kết tại Geneva ngày 17/4.

Theo ông Nile Bowie, mục tiêu tổng thể trong chính sách của Mỹ đối với Ukraine tập trung vào việc đưa đất nước vào quỹ đạo an ninh và kinh tế của NATO, điều mà Nga cho rằng đó là một "giới hạn đỏ". Chính quyền Obama đã "góp phần" tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và bất cần đạo lý, lợi dụng cuộc khủng hoảng này gây áp lực đối với Moskva, điều sẽ cho phép Mỹ và EU tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ nền kinh tế của Nga.


Công Thuận(R.T)