07:08 30/07/2012

Ấm lòng mẹ Cứu

Sự quan tâm kịp thời của chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp đã bù đắp phần nào những hy sinh mất mát, đỡ bớt gánh nặng lo toan trong cuộc sống của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cứu.

Sự quan tâm kịp thời của chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp đã bù đắp phần nào những hy sinh mất mát, đỡ bớt gánh nặng lo toan trong cuộc sống của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cứu.

 

Trong ngôi nhà tình nghĩa được xây tặng năm 2005, mẹ Nguyễn Thị Cứu (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bồi hồi nhớ lại chuyện đời lam lũ của mình trước kia và về người con trai duy nhất đã hy sinh.


Mẹ Cứu sinh năm 1934. Lấy chồng, mẹ sinh được anh Nguyễn Văn Sử là con trai duy nhất. Năm 1978, anh Sử 16 tuổi nhưng đã làm đơn tình nguyện xin được nhập ngũ. Mẹ Cứu vẫn còn nhớ như in hình ảnh tờ giấy có mấy dòng chữ cậu con trai viết vội: “Mẹ ơi! Con đi đây! Nếu có thời gian, con sẽ về thăm mẹ”. Thế nhưng người con trai duy nhất ấy của mẹ không bao giờ trở về! Anh đã hy sinh khi tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia, chỉ sau 2 năm nhập ngũ.

Niềm vui của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cứu trong dịp 27/7/2012, khi đón đoàn sinh viên tình nguyện trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam về thăm, giúp đỡ chỉnh trang và dọn dẹp nhà cửa.

Vì nhiều lý do, mãi đến 12 năm sau khi anh Sử hy sinh, mẹ Cứu mới nhận được giấy báo tử. Đến năm 1992, khi được công nhận là mẹ liệt sĩ, mẹ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Đến năm 2007, mẹ Cứu được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, được nhiều đơn vị và doanh nghiệp quan tâm phụng dưỡng.


Căn nhà tình nghĩa mẹ ở hiện nay được đóng góp từ tiền của, công sức của chính quyền cùng các cơ quan, đoàn thể. Trước năm 2005, mẹ ở trong căn nhà vừa thấp, vừa tối, lại chật chội, vật dụng sơ sài. Chị Nguyễn Thị Hiền là hàng xóm sống cạnh nhà mẹ Cứu nhớ lại: “Căn nhà mẹ chỉ rộng chừng hơn 10 mét vuông, ẩm thấp. Trong nhà, ngoài bộ phản để kê ngủ, mấy chiếc nồi để nấu nướng ra thì gần như không có đồ đạc gì đáng giá”.


Theo lời anh Nguyễn Trọng Trường, cán bộ xã Đại Áng (huyện Thường Tín), chứng kiến cảnh thiếu thốn của mẹ Cứu trong những lần đến thăm hỏi tặng quà, đơn vị huyện đội Thường Tín và chính quyền xã Đại Áng đã đóng góp được 50 triệu đồng chung tay xây tặng ngôi nhà tình nghĩa cho mẹ. Các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên thì góp sức cùng đơn vị thi công khẩn trương xây dựng. Và chỉ sau hai tháng, căn nhà mái bằng hai gian đã hoàn thiện, đón mẹ về ở trước dịp 27/7/2005. Mẹ Cứu bảo, từ ngày được ở nhà tình nghĩa đến nay, mẹ không còn lo lắng thấp thỏm mỗi khi mưa to, gió lớn như trước kia.

 

Ấm áp nhiều hành động tri ân


Căn nhà mới khang trang của mẹ mỗi ngày thêm đầy đủ đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, nhờ các cơ quan đoàn thể hỗ trợ, trao tặng. Chỉ vào chiếc tủ lạnh, ti vi trong phòng khách, mẹ phấn khởi bảo: “Đây là món quà do Xí nghiệp Môi trường đô thị của huyện nhà tặng đấy!”. “Ngày lễ, ngày tết năm nào xí nghiệp cũng cử đại diện tới thăm và tặng quà cho mẹ”, anh Nguyễn Quốc Long, cán bộ phòng Tổ chức của Xí nghiệp cho biết thêm.


Không chỉ riêng Xí nghiệp Môi trường đô thị, mẹ Cứu còn được Công ty Quản lý bến xe Hà Nội phụng dưỡng. Theo chị Minh, cán bộ phòng hành chính của công ty, công ty bắt đầu phụng dưỡng mẹ Cứu từ tháng 7/2007 cho đến nay với số tiền là 400.000 đồng/tháng. Cùng với việc duy trì chế độ hàng tháng cho mẹ, công ty còn cử đại diện tới thăm hỏi, động viên tinh thần mẹ và tặng quà mẹ những ngày lễ, tết.


Cùng với sự quan tâm của chính quyền, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thì sự đùm bọc, giúp đỡ của những gia đình hàng xóm láng giềng là niềm an ủi và động viên lớn với mẹ. Chị Nguyễn Thị Hiền, một người cùng thôn với mẹ Cứu kể: “Hàng ngày, em vẫn sang thăm mẹ, đi chợ và tiện thể mua giúp mẹ thức ăn. Những lúc mẹ đau mỏi thì mua thuốc để mẹ mau khỏi. Có hôm mẹ mệt, em và hàng xóm còn bảo nhau chở mẹ ra trạm xá để truyền đạm, truyền nước cho khỏe...”.


Năm 2011, đi khám bệnh, mẹ Cứu phát hiện có khối u xơ trong người, phải phẫu thuật và nằm viện 10 ngày. Trong những ngày đó, không riêng gia đình chị Hiền mà bà con lối xóm đều lo lắng và thăm hỏi tình hình mẹ liên tục. Sau khi mẹ xuất viện về nhà, ngày nào cũng có người sang thăm nom.


Mẹ Cứu được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cách đây 4 năm. Anh Nguyễn Trọng Trường cho biết, hàng năm, mẹ được hưởng chế độ đi điều dưỡng mỗi năm một đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng một tuần. Những ngày lễ, kỷ niệm, như dịp 27/7, xã tổ chức chương trình đều trân trọng mời mẹ Cứu đến tham dự và cử thanh niên xuống đón mẹ đi tận nơi.


Những ngày tháng 7/2012, ngôi nhà tình nghĩa của mẹ Cứu rộn ràng tiếng nói cười của những sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam về giúp mẹ quét dọn, sơn sửa nhà. Với mẹ Cứu, cuộc sống đã bớt đi những nhọc nhằn và cô quạnh khi mẹ nhận được rất nhiều sự quan tâm, thăm hỏi, động viên. Mẹ giãi bày: “Điều kiện kinh tế cũng bớt khó khăn đi nhiều rồi. Giờ đây mong muốn lớn nhất của mẹ là có sức khỏe, các con ạ!”.


Mạnh Minh