06:05 17/06/2014

Al-Qaeda cũng phải “ngán” ISIL

Bạo lực đã bất ngờ leo thang tại Iraq tuần qua, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) chiếm một loạt thành phố then chốt đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống và lăm le tiến vào thủ đô Baghdad, đe dọa nghiêm trọng sự thống nhất và chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh này.

Bạo lực đã bất ngờ leo thang tại Iraq tuần qua, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) chiếm một loạt thành phố then chốt đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống và lăm le tiến vào thủ đô Baghdad, đe dọa nghiêm trọng sự thống nhất và chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh này, đồng thời tạo ra mối nguy lớn cho sự ổn định của khu vực.

Ảnh chụp ngày 14/6 trên trang web của ISIL) Nhóm phiến quân thuộc tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) hành quyết hàng chục nhân viên an ninh Iraq tại một địa điểm bí mật ở tỉnh Salaheddin.  Ảnh: AFP - TTXVN

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải tổ chức họp kín thảo luận những diễn biến nghiêm trọng mới tại Iraq trong khi đại diện các nước như Mỹ, Pháp, Nga hối thúc quốc tế phải có hành động khẩn trương để giải quyết. Mới đây nhất, Mỹ đã điều một tàu sân bay di chuyển vào vùng Vịnh để sẵn sàng cho trường hợp Washington quyết định dùng đến phương án quân sự. Vậy ISIL là ai?


Tổ chức siêu cực đoan


Theo báo "Người bảo vệ" (Guardian) của Anh, ISIL, hay trước đó còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq ở Syria (ISIS) là một tổ chức siêu cực đoan đến mức mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng phải ngán ngẩm.

 

Hiện do một người Iraq có tên Abu Bakr al-Baghdadi dẫn dắt, ISIL là tiền thân của Cộng hòa Hồi giáo Iraq (ISI) - một nhánh Al-Qaeda ở Iraq. Khi cuộc nội chiến Syria mới leo thang thì sự dính líu của ISI với cuộc xung đột này ban đầu chỉ mang tính gián tiếp. Abu Muhammad al-Joulani, một thành viên ISI, đã thành lập tổ chức Jabhat al-Jabhat al-Nusra vào giữa năm 2011 mà sau đó trở thành nhóm thánh chiến chính trong cuộc chiến Syria. Joulani nhận được sự ủng hộ và tài trợ từ ISI và cả Baghdadi.


Tuy nhiên, sau đó Baghdadi muốn giành ảnh hưởng lên tổ chức Jabhat al-Nusra đang ngày càng vững mạnh bằng cách mở rộng trực tiếp hoạt động của ISI vào Syria và ISIS được hình thành tháng 4 năm ngoái. Sự khác biệt cả về tư tưởng lẫn chiến lược đã sớm bột phát và dẫn tới những tranh đấu gay gắt. ISIS trở nên quá cực đoan và tàn bạo trong con mắt của không chỉ Jabhat al-Nusra mà cả al-Qaeda, dẫn tới việc thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tháng trước đã lên tiếng yêu cầu ISIS rời Syria và trở về Iraq.


Khi đó, ISIS đã để mất vị trí ở Syria vào tay Jabhat al-Nusra và các đồng minh của tổ chức này. Nhưng tất cả những ai cho rằng ISIS đã "hết thời" thực sự nhầm to khi lực lượng này hiện đã chiếm đóng Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq. ISIS đã kiểm soát một vùng đất trải dài từ rìa phía tây thành phố Aleppo của Syria tới thành phố Falluja ở miền tây Iraq và giờ đây là thành phố Mosul ở miền bắc Iraq.


ISIS đã chứng tỏ sự tàn nhẫn và hung bạo tại các khu vực của Syria mà lực lượng này kiểm soát, gồm phía đông Aleppo và thành phố Raqqa. Hồi tháng 2 vừa qua, lực lượng này bị tố là thủ phạm sát hại thành viên sáng lập nhóm Ahrar al-Sham (Phong trào những người tự do ở Levant), và thủ lĩnh của nhóm này tại thành phố Aleppo là Muhammad Bahaiah, người có quan hệ thân cận với các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda. ISIS cũng bị đổ lỗi đứng đằng sau vụ sát hại Abu Muahmmad al-Ansari, thủ lĩnh Jabhat al-Nusra tại khu vực Idlib, cùng vợ con và họ hàng của ông ta.


Tổ chức thánh chiến hàng đầu?


Mặc dù chịu tai tiếng tàn bạo nhưng ISIS cũng chứng tỏ sự linh hoạt ở Iraq đối với những người Sunni ở miền bắc chống lại chính phủ do người Shiite đứng đầu của Thủ tướng Nouri al-Maliki. Mushreq Abbas, người chuyên viết về Iraq trên trang mạng


Al-Monitor, mô tả cách thức Baghdadi ứng xử với các thủ lĩnh bộ lạc Sunni và những nhà truyền giáo ôn hòa phản đối chính quyền trung ương như sau: "Cho đến nay, các chiến binh của Baghdadi chưa hề làm hại những người có đạo... Khi các bộ lạc từ chối giương các khẩu hiệu của ISIS ở Falluja, ông ta đã ra lệnh cho các chiến binh không giương khẩu hiệu và cố gắng hợp tác với các tay súng của các tổ chức vũ trang khác".


Theo các nhà phân tích, các chiến binh ISIL có động cơ cao, được tôi luyện và trang bị kỹ càng. Trên tờ "Bưu điện Washington" (Washington Post) của Mỹ, ông Douglas Ollivant thuộc Quỹ Mỹ Mới (New America Foundation) nhận xét ISIL còn mang đặc điểm điều hành của một nhà nước như điều hành các trường học, tòa án và dịch vụ, treo cờ trắng - đen của tổ chức này tại các cơ sở mà nó kiểm soát. Tại Raqqa, ISIL thậm chí còn bắt đầu khai trương một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về tiêu chuẩn thực phẩm.


ISIL đã củng cố sức mạnh của nó bằng việc quy nạp hàng nghìn tình nguyện viên nước ngoài ở Syria, và cả một số từ châu Âu và Mỹ. Ước tính hiện có hơn 10.000 người nằm dưới sự điều khiển của tổ chức này. Để có nguồn lực tài chính, tổ chức này cũng không ngừng mở rộng các mạng lưới tống tiền ở Mosul và hồi tháng 2 vừa qua, ISIL đã chiếm quyền kiểm soát giếng khí Conoco có giá trị ước tính hàng trăm nghìn USD/tuần từ nhóm Jabhat
al-Nusra tại Deir Ezzor ở Syria.


Giờ đây khi đã chiếm Mosul, ISIL thậm chí còn ở vị thế mạnh hơn để khẳng định nó là một tổ chức thánh chiến hàng đầu. Theo một số nhà phân tích, ISIL hiện đang chứng tỏ là một sự thay thế tư tưởng vượt trội hơn so với Al-Qaeda trong cộng đồng thánh chiến và tổ chức này đã và đang thách thức công khai quyền lực của thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri.


Đỗ Sinh