11:11 23/11/2010

Ailen mở lời xin cứu trợ

Ngày 22/11 (giờ Việt Nam), Ailen đã phải chính thức đề nghị một gói cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây là một “kịch bản” mà cách đây vài năm có lẽ không ai có thể nghĩ tới vì khi đó Ailen được coi là một "con hổ" trong khu vực châu Âu...

Ngày 22/11 (giờ Việt Nam), Ailen đã phải chính thức đề nghị một gói cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây là một “kịch bản” mà cách đây vài năm có lẽ không ai có thể nghĩ tới vì khi đó Ailen được coi là một "con hổ" trong khu vực châu Âu với một nền kinh tế bùng nổ và phát triển một cách đáng ngưỡng mộ.

Thủ tướng Ailen B. Cowen (trái) và Bộ trưởng Tài chính B. Lenihan tại cuộc họp thông báo về quyết định xin cứu trợ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Đablin, Thủ tướng Ailen Brian Cowen xác nhận thông tin trên và cho biết EU đã chấp nhận yêu cầu cứu trợ của chính phủ Ailen. Gói cứu trợ được thực hiện trong 3 năm sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu các ngân hàng và giảm thâm hụt ngân sách. Thủ tướng Cowen cũng thông báo, quá trình đàm phán chính thức giữa chính phủ Ailen và các đại diện Ủy ban châu Âu, IMF cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm bắt đầu.

Ngay sau đề nghị được cứu trợ của Ailen, EU và IMF đã nhanh chóng đồng ý về mặt nguyên tắc và sẽ thảo luận chi tiết gói cứu trợ vào ngày hôm sau. Các quan chức hy vọng gói cứu trợ này "đảm bảo sự ổn định tài chính của EU và khu vực đồng euro".

Giá trị của gói cứu trợ có thể ít hơn gói cứu trợ 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp nhưng cũng lên tới hàng chục tỷ euro. Khoản vay cứu trợ này sẽ có lãi suất ưu đãi hơn so với các khoản vay trên thị trường quốc tế và sẽ được quyết định trong quá trình đàm phán. Nguồn tiền cứu trợ sẽ lấy từ cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSM) và công cụ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

EU và IMF sẽ giải cứu Ailen theo một chương trình chính sách nhằm giải quyết những khó khăn về ngân sách của nền kinh tế Ailen một cách triệt để. Gói cứu trợ này sẽ dựa trên Chiến lược Ngân sách 4 năm của Ailen, trong đó đặt mục tiêu thực hiện kế hoạch đưa mức thâm hụt ngân sách thấp hơn 3% GDP và cải cách cơ cấu toàn diện. Dự kiến, chiến lược phục hồi kinh tế 4 năm này sẽ được chính phủ Ailen công bố vào tuần tới.

Nền kinh tế Ailen bắt đầu tiến dần đến bờ vực phá sản sau thi thực hiện một quyết định "định mệnh" vào năm 2008 là đảm bảo mọi khoản thua lỗ cho ngành ngân hàng nước này. Quyết định trên khiến Ailen phải bỏ tới hơn 50 tỷ euro và khiến quốc gia này lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng gặp trước đây. Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan, hiện tại, nền kinh tế Ailen vẫn còn nhiều yếu tố tích cực như xuất khẩu, cán cân thanh toán... Nhận định về cuộc khủng hoảng nợ của Ailen, ông Wang Liming thuộc trường Đại học College Dublin cho rằng Ailen không phải là một bệnh nhân ốm yếu mà chỉ "thiếu máu", và khi có được "máu", quốc gia này sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và đầy sức sống. Ông cũng cho rằng, khi các vấn đề về ngành ngân hàng Ailen phục hồi, nền kinh tế quốc gia này sẽ lấy lại được niềm tin.

Hành động yêu cầu cứu trợ của Ailen diễn ra chỉ 6 tháng sau khi EU và IMF cung cấp gói giải cứu 110 tỷ euro cho Hy Lạp và tuyên bố thành lập một quỹ an toàn trị giá 750 tỷ euro trong vòng 2 năm cho bất kỳ quốc gia thành viên nào sắp có nguy cơ đối mặt với vỡ nợ. Các thị trường tài chính đã phản ứng tích cực còn các thành viên EU thở phào nhẹ nhõm. Cổ phiếu tại châu Âu tăng 0,7% giá trị trong những giờ giao dịch đầu tiên, đồng euro cũng tăng giá.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, vẫn chưa rõ liệu gói cứu trợ thứ hai tại khu vực đồng euro có đủ để chặn sự lo lắng của thị trường đối với Bồ Đào Nha. Ngân hàng UBS cũng cho rằng, sau Ailen, có thể những lo ngại sẽ lan tới Bồ Đào Nha và các quốc gia khác nữa. Hiện tại, nợ nần đang trở thành vấn đề có tính hệ thống lan từ Hy Lạp, Ailen đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và còn có thể ảnh hưởng tới cả Italia.

Nhà kinh tế Edro Schwartz thuộc trường Đại học San Pablo (Tây Ban Nha) cho rằng, nếu thị trường lo ngại cho số phận của Bồ Đào Nha, thì tiếp theo đó sẽ là Tây Ban Nha. Vấn đề mấu chốt khiến giới đầu tư mất niềm tin vào một số quốc gia thuộc khu vực euro chỉ có thể được giải quyết bằng một biện pháp nhanh chóng, cụ thể cho cả khu vực đồng euro, chứ không phải là cách giải quyết theo từng nước như hiện nay.

Thùy Dương (Tổng hợp)