10:08 15/10/2011

Ai sẽ tiếp lửa cho nghệ thuật ca trù xứ Thanh?

Ca trù xứ Thanh cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu tỉnh Thanh Hóa không có những biện pháp bảo tồn, phát huy vốn di sản quý báu này.

Xứ Thanh không những là miền quê của dân ca Đông Anh, hò sông Mã, của hát hát tuồng, hát chèo... mà còn là một trong những cái nôi của ca trù. Những năm gần đây, hưởng ứng chương trình hành động quốc gia trong công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù, Thanh Hoá - 1 trong 15 địa phương của cả nước có nghệ thuật hát ca trù đã triển khai nhiều hoạt động đến tận cơ sở nhằm khôi phục, gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này.


Ca trù xứ Thanh cần người tiếp lửa.


* Những nỗ lực khôi phục, gìn giữ, phát triển nghệ thuật ca trù

Tương truyền hát ca công ở Thanh Hoá có từ triều Lý, Trần và phát triển mạnh vào triều Nguyễn. Vào đầu thế kỷ XX, các làng hát, dòng họ ca công ở Thanh Hoá đã nổi tiếng cả nước. Trong đó số làng có nghề hát ca trù ở nhiều huyện lên tới 35, 40 làng (như Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa...); nhiều dòng họ ca trù như họ Nguyễn, họ Lê, họ Đinh, họ Đào, họ Trần...Ở Thanh Hóa xưa có khá nhiều điểm và quán ca trù mang tính chuyên nghiệp cao.

Đến nay, nhiều làng ca trù tiêu biểu ở Thanh Hóa xưa vẫn còn giữ lại được dấu tích, sắc phong, bài hát như làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang (Thọ Xuân), làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), làng Bái Thủy, xã Định Liên (Yên Định), làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc), làng Nỗ Giáp, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), làng Chuẩn Xuyên, xã Thiệu Ngọc, làng Tòng Tân, xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa), làng Phượng Đoài, xã Trường Trung (Nông Cống)... Đặc biệt, một số di tích, hiện vật liên quan đến ca trù ở Thanh Hóa đã góp phần trong hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa như: Giếng ca công xã Định Liên (Yên Định); Cánh đồng ca công, mộ đào nương Trần Thị Duyên (Vĩnh Lộc); Nhà thờ tướng công Trần Nhật Duật (Quảng Xương); Nhà thờ tổ họ Hà thờ đào nương Hà Thị Thắm (Hoằng Hóa) với hòm đựng trang phục, y phục, sắc phong...

Thanh Hóa hiện có 8 Câu lạc bộ ca trù đang thường xuyên hoạt động như: CLB ca trù Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa, CLB Ca trù Đồng Nội (huyện Hà Trung), CLB Ca trù thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung), CLB Ca trù huyện Vĩnh Lộc, CLB Ca trù huyện Đông Sơn, CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc (TP Thanh Hóa), CLB hát nhà trò Văn Trinh (huyện Quảng Xương)... với sự tham gia của gần 50 nghệ nhân, ca nương, nhạc công. Các CLB này đã tham gia biểu diễn, giao lưu với nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh và nhiều CLB của các tỉnh bạn trong đó có các CLB ca trù ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng...Qua những lần giao lưu, học hỏi và quá trình tự đào tạo của các CLB, nhiều ca nương đã hát được nhiều làn điệu ca trù khó, tay phách, ngón đàn, tay trống cũng điêu liệu hơn nhiều.

Những năm gần đây, ngành văn hóa Thanh Hóa mà cụ thể là Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh đã sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức khá nhiều hội thảo, hội diễn nhằm giới thiệu và quảng bá nghệ thuật ca trù xứ Thanh đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Trung tâm còn gửi đi đào tạo lớp diễn viên trẻ đàn và hát ca trù do Cục nghệ thuật biểu diễn tổ chức. Mở nhiều lớp tập huấn về đàn và hát ca trù cho các hạt nhân trẻ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh do các nghệ nhân Ngô Trọng Bình, Nguyễn Thị Kim và một số nhạc công, ca nương trẻ đã được đào tạo truyền dạy. Đồng thời tích cực hỗ trợ và động viên các CLB tích cực tham gia các chương trình liên hoan nghệ thuật dân gian khu vực và toàn quốc cũng như động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy ca trù cho các nhạc công và ca nương trẻ yêu thích môn nghệ thuật này... Bên cạnh đó Trung tâm Văn hoá tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực đỡ đầu cho sự ra đời của nhiều CLB nghệ thuật ca trù trong tỉnh.

* Nỗ lực không mệt mỏi của những nghệ nhân "độc nhất vô nhị"

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành văn hóa để làm sống lại bộ môn nghệ thuật quý báu này không thể không nhắc đến vai trò của những hạt nhân ca trù xứ Thanh, những người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn một lòng một dạ với ca trù. Đó là nghệ nhân Ngô Trọng Bình (84 tuổi) - Chủ nhiệm CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc và bà Nguyễn Thị Kim, 89 tuổi ở xã Tế Lợi, huyện Nông Cống - hiện tỉnh đang đề nghị Nhà nước công nhận nghệ nhân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ca công, bố là chánh quản ca gánh hát ở Đông Ninh - Đông Sơn, mẹ là đào nương ở Bàn Thạch - Thọ Xuân, ngay từ nhỏ, Ngô Trọng Bình đã được bố dạy cho biết các ngón đàn. Sau khi đàn đã cứng, ông được cha mẹ cho xuống thị xã Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa ngày nay) để làm cho các gánh hát. Lớn lên, ông còn vào tận Vinh (Nghệ An) để làm cho những nhà hát tư nhân và các phố có điểm hát cô đầu nổi tiếng. Nạn đói năm 1945 đã khiến các nhà hát và các gánh hát phải giải tán, ông Ngô Trọng Bình phải “rẽ ngang” sang nghề khác kiếm sống. Mãi đến năm 2000 ông mới có cơ hội "trở lại" với "nghề chơi", với những giọt đàn, nhịp phách xưa cũ khi được mời dự hội thảo ca trù toàn quốc và tại đây, tiếng đàn của ông đã làm say đắm lòng người.

Nghệ nhân Ngô Trọng Bình có thể vừa đánh đàn, vừa hát nhiều điệu hát cổ như cung bắc, thiên thai, hát ru, đại thạch, bỏ bộ…Ông còn viết nhiều lời mới cho làn điệu ca trù như bài: Xuân Tân Mão, Bà Triệu, ca cảnh duyên nợ ca trù, rừng Lang Chánh... Ghi nhận tài năng của ông, năm 2005, Nhà nước đã phong tặng ông là "Nghệ nhân dân gian" và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin.

Ấp ủ trong lòng mong ước sẽ truyền thụ bộ môn nghệ thuật ca trù cho thế hệ trẻ, để ca trù không bị mai một theo thời gian... tháng 8/2007, CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc ra đời trong niềm vui khôn tả của nghệ nhân Ngô Trọng Bình và những người một lòng một dạ với ca trù xứ Thanh. Hiện nay, hơn 20 thành viên trong CLB đều đặn sinh hoạt, tuần 2-3 buổi để cùng hòa mình vào nhịp phách, lời ca. Mặc dù CLB hoạt động chưa có một nguồn kinh phí nào, nhưng với lòng yêu nghề và tâm nguyện muốn truyền và lưu giữ lại nghề ca trù, thầy và trò trong lớp học vẫn say mê luyện tay phách, học lời, lấy hơi, chuyển giọng...CLB của nghệ nhân Ngô Trọng Bình đã tham gia khá nhiều liên hoan ca trù toàn quốc và đã đem về 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, bằng khen của Viện Âm nhạc... Lớp “đào” của cụ Bình tuy có lúc còn lạc phách, nhưng thanh sắc đã có nhiều hứa hẹn, trong đó một số ca nương tham gia các kỳ liên hoan trong và ngoài tỉnh đã đoạt huy chương vàng, bạc…

Nếu nghệ nhân Ngô Trọng Bình được cả nước biết đến với cây đàn đáy thì bà Nguyễn Thị Kim, một đào nương nổi tiếng của ca trù xứ Thanh lại được biết đến với "một lối hát đặc biệt, rung mịn, nhàn nhã, tròn vành rõ chữ, điều tiết hơi tốt và là người đang lưu giữ những giá trị nguyên gốc, hồn vía của nghệ thuật ca trù".

Là con gái dòng họ Nguyễn Thế ở thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung - dòng họ hát ca trù duy nhất ở huyện Nông Cống (Thanh Hoá), từ nhỏ bà Kim theo gánh hát của cụ Quản (ông Nguyễn Tiến Phùng, chánh quản ca xứ Nghệ), 12 tuổi đã trở thành ca nương chính của gánh. Theo gia phả, những năm 40 của thế kỷ XX, dòng họ Nguyễn Thế có tới 4 nhà hát nổi tiếng ở Vinh (Nghệ An), ngoài việc diễn ở các nhà hát, gánh hát của bà Kim thường được các quan lại mời về nhà hát trong các dịp mừng thọ, cưới hỏi, làm nhà mới... Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn kể vanh vách những làn điệu và ca từ cổ nào là Bắc phản, hát nói, hát mưỡu, hát cửa thư, hát ru, hát cung bắc, tỳ bà, thét nhạc, hát bỏ bộ...Anh trai thứ của bà là kép đàn giỏi trong gánh hát ngày xưa, nhưng cách đây mấy năm bị tai nạn và liệt toàn thân, không thể đàn được nữa. Cây đàn đáy của tổ tiên, có lịch sử gần 250 năm do không còn ai biết sử dụng nên dòng họ Nguyễn Thế đã trao tặng lại cho nghệ nhân đàn đáy Ngô Trọng Bình.

Bà Nguyễn Thị Kim là 1 trong 3 giọng ca được Viện Âm nhạc Việt Nam về tận nơi ghi âm mẫu giọng hát mang sang Pháp để phân tích. Hiện nay, giọng hát của bà Kim đã được lưu trữ và được đánh giá cao. Năm 2006, bà được nhận bằng khen của Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam vì đã đạt thành tích xuất sắc tại đêm ca trù toàn quốc. Bà đã tham gia hội thảo “Nghệ thuật ca trù toàn quốc” (2006), Liên hoan ca trù toàn quốc, tham gia diễn ca trù ở Nhà hát lớn, Liên hoan ca trù toàn tỉnh...

Tiếng hát của bà Nguyễn Thị Kim đang có nguy cơ mai một và thất truyền do tuổi cao, sức yếu. Lớp con cháu mải mưu sinh và dường như có quá ít tâm huyết với ca trù. Hiện nay bà Kim cũng là người cuối cùng còn lưu giữ và cất lên tiếng hát của dòng họ hát ca trù Nguyễn Thế. Tâm huyết và lòng nhiệt tình với ca trù, bà nói: "Nếu có người muốn học ca trù tôi sẵn sàng truyền lại lời ca, tiếng hát của mình, cho đến khi nào không còn đủ sức khoẻ nữa mới thôi".

* Ai sẽ là người tiếp bước khi thế hệ trẻ không mấy mặn mà với ca trù?

Ca trù xứ Thanh cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu tỉnh Thanh Hóa không có những biện pháp bảo tồn, phát huy vốn di sản quý báu này. Lớp nghệ nhân ca trù xưa ở Thanh Hoá đến nay dường như chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, những người hát ca trù như bà Nguyễn Thị Kim, ông Đào Trọng Bình rồi cũng sẽ đi vào quá vãng. Số lượng thành viên của các CLB ca trù ở Thanh Hóa đã ít lại đa phần là những người cứng tuổi. Các Ban chủ nhiệm CLB, các nghệ nhân thường xuyên vận động lớp trẻ học nghệ thuật ca trù song việc làm đó không hề dễ bởi lớp trẻ yêu thích ca trù đã chẳng nhiều, cuộc sống hiện đại cũng khiến lớp trẻ chẳng mấy "để tâm" đến loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó là sự "quay lưng" của không ít cá nhân, đơn vị, tổ chức…Gần đây nhất, chuẩn bị cho Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011 vào ngày 13-16/10 tại Hà Nội, do kinh phí được cấp quá ít, cực chẳng đã, Ban Chủ nhiệm CLB Ca trù - Dân ca Thành Hạc đã gửi thư vận động một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, hỗ trợ vật chất để các thành viên của CLB có thêm kinh phí (ngoài sự hỗ trợ của UBND thành phố Thanh Hóa). Nhưng, đến gần ngày lên đường, CLB Ca trù - Dân ca Thành Hạc chỉ được 1,2 triệu đồng từ 3 cá nhân, đơn vị hảo tâm cùng nhiều cái lắc đầu từ chối…Bên cạnh đó, những nghệ nhân ca trù cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về đời sống vật chất và tinh thần, ví như nghệ nhân Ngô Trọng Bình vẫn lấy nghề quay tông đơ làm nguồn sống, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim sống nhờ con gái...Những thành viên khác trong các CLB cũng đến với ca trù vì yêu và say nghệ thuật ca trù chứ chưa thể “sống nhờ” vào vốn di sản này.

Theo kết quả báo cáo kiểm kê di sản văn hóa ca trù năm 2009-2010, Thanh Hóa còn 17 người hát ca trù cao tuổi trong đó chỉ có 5 người có thể truyền dạy hát phách lại cho lớp trẻ, 1 người truyền đàn, trống. Số lượng người biết đàn, hát múa năm 2010 là 41 người nay chỉ còn 31 người…

Khôi phục, bảo tồn và phát triển loại hình ca trù ở Thanh Hoá là việc làm có ý nghĩa và cấp thiết, đòi hỏi phải dành nhiều tâm huyết, thời gian. Đã đến lúc cần có sự quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của ca trù chính từ những nghệ nhân độc nhất vô nhị như ông Ngô Trọng Bình, bà Nguyễn Thị Kim… Hơn thế, Thanh Hóa cũng nên ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các CLB ca trù, sớm đưa ca trù vào giảng dạy trong các trường nhạc và hướng tới việc phục hồi, truyền dạy ca trù, tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng, giúp người dân nhất là giới trẻ hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật này.../.


Hoa Mai