11:11 25/11/2014

Ai sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp sửa đưa ra quyết định bổ nhiệm vị Bộ trưởng Quốc phòng thứ 4 trong vòng 6 năm qua. Liệu có khả năng lần đầu tiên một người phụ nữ sẽ điều hành Lầu Năm Góc?

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp sửa đưa ra quyết định bổ nhiệm vị Bộ trưởng Quốc phòng thứ 4 trong vòng 6 năm qua. Liệu có khả năng lần đầu tiên một người phụ nữ sẽ điều hành Lầu Năm Góc?

Hai ứng cử viên sáng giá của chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: bà Michele Flournoy và ông Ashton Carter.


Thậm chí cả trước khi Bộ trưởng Chuck Hagel chính thức từ chức, dư luận đã nhắc đến hai cựu quan chức quốc phòng dạn dày kinh nghiệm của Lầu Năm Góc là bà Michele Flournoy và ông Ashton Carter với khả năng cao sẽ thế chỗ ông Hagel.


Bà Michele Flournoy giữ chức cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề chính sách từ tháng 2/2009 đến tháng 2/2012 dưới thời hai cựu Bộ trưởng Robert Gates và Leon Panetta.


Cho đến khi rút lui khỏi chính trường để "cân bằng cuộc sống cá nhân" năm 2012, bà Flournoy là người phụ nữ từng giữ chức vụ cao nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc. Trong những năm cống hiến, bà được mệnh danh là “kiến trúc sư chính” của nền tảng chính sách an ninh quốc gia của chính quyền ông Obama, đồng thời là cố vấn đắc lực của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.


Hiện bà Flournoy đang là Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), đóng vai trò cố vấn độc lập cho chính phủ Mỹ. Bà Flournoy là người đồng sáng lập CNAS năm 2007 và giữ cương vị chủ tịch trung tâm này cho đến năm 2009. Ngoài ra cựu Thứ trưởng này còn tham gia Nhóm cố vấn Boston, là một cố vấn cao cấp về lĩnh vực công cộng.


“Đối thủ” của bà Flournoy, ông Ashton Carter đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2013, chịu trách nhiệm quản lý 600 tỷ USD ngân sách quốc phòng cũng như giám sát 2,4 triệu binh sĩ Mỹ. Ngoài ra ông Carter còn có công trong việc triển khai các phương tiện hộ tống kháng mìn (MRAP) tới hỗ trợ lực lượng bộ binh Mỹ đóng tại Iraq và Afghanistan.


Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, ông Carter từng đảm nhận vị trị Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách an ninh quốc tế. Ông Carter cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách về an ninh và quốc phòng hữu ích.


Nhìn chung, cả hai nhân vật trên đều là những lãnh đạo nổi bật của Lầu Năm Góc kể từ trước khi ông Obama lên nắm quyền. Dù kết quả là ai, người được Tổng thống Obama chọn lựa sẽ sớm phải đối mặt với phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Hơn thế, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo một đội quân đang tham gia sâu rộng tại các mặt trận nước ngoài: đương đầu với “bài toán khó” phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông, kéo dài thời hạn đóng quân tại Afghanistan, chiến đấu với đại dịch Ebola ở Tây Phi cũng như sự leo thang quân sự của hai cường quốc Nga và Trung Quốc…


Lý do ông Hagel bị “nghỉ hưu”?


Ông Chuck Hagel tuyên bố từ chức.


Có nhiều nguồn tin cho rằng việc ông Hagel từ chức ngày 24/11 sau khi Tổng thống Obama chỉ định là do nhiều áp lực từ các cuộc khủng hoảng đang leo thang trên toàn cầu và sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.


Ông chủ Nhà Trắng lần này đã đưa ra một quyết định đảo ngược lại với tầm nhìn của ông cách đây 2 năm. Khi đó, ông Obama đã chọn ông Hagel làm người đứng đầu Lầu Năm Góc nhằm hạn chế quyền lực của các quan chức quốc phòng khác – những người đã liên tiếp đem binh lính tới chiến trường Afghanistan và chậm chạp trong việc thu hồi quân ở Iraq.


Tuy nhiên cuối cùng, ông Hagel đã không còn nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền Tổng thống khi để cho đất nước này lấn sâu trở lại những cuộc chiến ở nước ngoài. Một số phụ tá của Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ thêm ông Hagel đã “mất điểm” khi chậm trễ trong việc chuyển tù nhân quân sự Guantanamo và những bất đồng với Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice.


Phát biểu trong buổi thông báo từ chức của ông Hagel tại Nhà Trắng ngày 24/11, Tổng thống Obama vẫn không quên dành tặng những lời cảm ơn sâu sắc đến “vị tướng” của mình.



Hoàng Trang (theo Nytimes/Time)