08:22 27/08/2012

Ai là ông chủ thực sự của Nhà Trắng?

Theo mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” (Canađa) ngày 26/8, chiến tranh, sự sụp đổ kinh tế và đói nghèo đang chờ đợi người Mỹ bất kể họ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” (Canađa) ngày 26/8, chiến tranh, sự sụp đổ kinh tế và đói nghèo đang chờ đợi người Mỹ bất kể họ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.


 

Đương kim Tổng thống Obama(trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney. Ảnh: Internet

 

Thay đổi nhân sự tại Nhà Trắng không khác gì việc Công ty British Petroleum thay người phát ngôn, trong khi vẫn giữ nguyên ban giám đốc, các chương trình và mục tiêu. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một “nhà hát” được thiết kế để tạo cho công chúng ảo tưởng rằng họ có một số phương tiện để giải quyết những bất bình của họ, mà không thể thay đổi được cán cân quyền lực.


Chính sách đối ngoại của cả Obama và Romney đều có nội dung chính là những gì mà các cơ quan tư vấn nghiên cứu, được giới chủ doanh nghiệp - tài chính tài trợ, đã hoạch định cho số phận của nước Mỹ trong vài thập kỷ gần đây. Nội các của ông Obama có đại diện từ các công ty Morgan, Goldman Sachs, Hội đồng quan hệ đối ngoại, Covington & Burling, Citi Group, Freedie Mac và nhà thầu quốc phòng Honeywell. Chính sách đối ngoại của Obama không phải do ông nghĩ ra ở phòng Bầu dục, mà do những tổ chức tư vấn nghiên cứu, đã từng “hướng dẫn” các tổng thống tiền nhiệm, như Hội đồng quan hệ đối ngoại, RAND Corporation, Viện Brookings, Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) và Chatham House, đưa ra.


Còn các cố vấn đối ngoại của ông Romney là Michael Chertoff, Eliot Cohen, Paula Dobrainsky, Eric Edelman và Robert Kagan, vẫn là những người đã từng nghĩ ra các “chiến lược” cho Tổng thống Obama và G.W. Bush.


Trong khi công chúng được giải thích nhiều về lý do ông Bush đã tiến hành cuộc chiến Irắc và Ápganixtan, và lý do ông Obama bắt đầu các cuộc chiến tranh mới tại Libi và giờ đây là Xyri, trên thực tế, đó chỉ là sự “tiếp tục chương trình nghị sự” của giới chóp bu chủ doanh nghiệp - tài chính, được các “nghị sĩ” Mỹ bù nhìn phê chuẩn và các tổng thống Mỹ “bán rao”. Trên thực tế, các tổng thống Mỹ chỉ là những người phát ngôn cho các lợi ích tập thể của 500 công ty lớn nhất của Mỹ (Fortune 500).


Cho dù cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu cán cân quyền lực, đang nghiêng về Fortune 500 không thay đổi, thì cũng sẽ không có gì thay đổi ngoài giọng điệu về những chương trình nghị sự được “rao giảng” với công chúng. Ông Romney sẽ tiếp tục đúng những công việc mà ông Obama đang bỏ lại, cũng giống như Obama đã tiếp tục các công việc của ông Bush. Ngay trong các nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton và Bush cha, cũng có cùng chương trình nghị sự mà giới chủ doanh nghiệp - tài chính đã đưa ra để chi phối số phận của Mỹ và phương Tây, kể từ khi Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Smedley Butler viết “Chiến tranh là trò làm tiền gian manh” năm 1935.


Để đảm bảo quyền lực vĩnh viễn của giới chủ doanh nghiệp - tài chính, vô số các giải pháp giả đã được tạo ra để “lái” cử tri không ảnh hưởng đến cán cân quyền lực hiện nay và đạt được quyền tự quyết thực sự. Để có thể thay đổi cán cân quyền lực hiện nay, cử tri Mỹ phải công nhận và chống lại các nỗ lực nhằm đánh lạc hướng bằng cách “quảng bá” rầm rộ những chi tiết chính trị nhỏ mọn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Đối với mỗi khó khăn mà xã hội phải đối mặt, đều có một giải pháp chuyên môn lâu dài. Ví dụ để giải quyết nạn đói là nông nghiệp, việc thiếu chỗ ở là kiến trúc, và cho dù những khó khăn ngày nay là gì, cũng đều sẽ có những giải pháp tương tự. Chỉ các cử tri Mỹ mới có thể quyết định được số phận của mình, chứ không thể nhờ vào việc bầu ai trong cuộc bầu cử tổng thống.


Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)