03:23 22/03/2011

Ai được lợi nhiều nhất trong cuộc chiến chống Libi ?

Quân đội Pháp tham gia cuộc chiến chống Libi có vẻ rất hăng hái và đầy quyết tâm, đóng vai trò tiên phong trong trận mở màn. Bình luận về động thái đáng chú ý này, mạng “Đa chiều” ngày 22/3 cho rằng Pháp hành xử như vậy là vì nước này có thể giành được những lợi ích to lớn từ cuộc chiến.

Quân đội Pháp tham gia cuộc chiến chống Libi có vẻ rất hăng hái và đầy quyết tâm, đóng vai trò tiên phong trong trận mở màn. Bình luận về động thái đáng chú ý này, mạng “Đa chiều” ngày 22/3 cho rằng Pháp hành xử như vậy là vì nước này có thể giành được những lợi ích to lớn từ cuộc chiến.

Nhận xét về cuộc chiến chống Libi hiện nay, chuyên gia Đào Văn Chiêu - thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung - Mỹ của trường Đại học Thanh Hoa - cho rằng các nước phương Tây đã "thổi phồng" cái gọi là “khủng hoảng nhân đạo” để lấy cớ can thiệp vào Libi. Mục tiêu của các nước này rất rõ ràng, đó là "hạ bệ" Tổng thống Muammar Kadhafi càng sớm càng tốt, tiến tới nâng đỡ và tạo dựng một chính quyền thân phương Tây ở Libi.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp trên đường đến vùng biển Libi.

Xét tình hình hiện nay, trước mắt phương Tây sẽ can thiệp quân sự chủ yếu bằng không kích và tên lửa, mục đích nhằm làm suy yếu năng lực chiến đấu của quân đội chính phủ, từ đó tạo ưu thế cho lực lượng chống đối. Đây là sự can thiệp khá an toàn và ít tốn kém hơn. Tình hình Libi hiện nay có nhiều điểm giống với tình hình Xuđăng trước đây, đó là đất nước bạo loạn dẫn đến sự tranh giành của hai phe, ông Kadhafi kiểm soát miền Tây, trong khi lực lượng chống đối khống chế khu vực miền Đông. Đáng chú ý là ngay từ đầu, Pháp đã thể hiện là một nhân tố hết sức tích cực trong cuộc chiến chống Libi, thậm chí còn là nước đầu tiên thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền của lực lượng chống đối.

Theo ông Đào Văn Chiêu, có một số lý do để Pháp hành động như vậy:

Thứ nhất, về địa lý, Pháp và Libi chỉ cách nhau Địa Trung Hải, có thể nói là rất gần. Xét trên góc độ địa chính trị, Libi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Pháp, rất nhiều chính khách ở Pháp coi Libi là “quốc gia đặc biệt” của Pháp. Do đó, Pháp cần phải nắm giữ và kiểm soát Libi.

Thứ hai, xét về lợi ích dầu lửa, Pháp thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền của lực lượng chống đối nhằm “mở đường” cho các công ty dầu lửa của Pháp vào Libi. Có tài liệu cho thấy năm 2008, Pháp có 18 công ty đầu tư kinh doanh tại Libi, đến tháng 10/2010, con số này đã lên tới 32 công ty, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dầu lửa.

Thứ ba, từ xưa đến nay, Pháp vẫn tự cho mình là “nước bảo vệ nhân quyền”, song thái độ của Pháp đối với Bắc Phi thường không rõ ràng. Nay, để cải thiện hình ảnh của mình, Pháp buộc phải có thái độ rõ ràng trong vấn đề Libi.

Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Ngô Băng Băng - Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ Arập thuộc Học viện Ngoại ngữ, trường Đại học Bắc Kinh - nhận định Pháp chọn ngày 19/3 để hành động khá vội vàng vì cho rằng đây là thời điểm cuối cùng phương Tây có thể can thiệp, nếu Tổng thống Kadhafi chiếm được Benghazi, sự can thiệp sau đó sẽ trở thành vô nghĩa. Tình hình Libi rất rõ ràng, nếu không có sự can thiệp của lực lượng bên ngoài, lực lượng chống đối không thể trụ được.

Theo Giáo sư Ngô Băng Băng, cần phải xét từ ba góc độ lịch sử, ngoại giao và chính trị trong nước để giải thích thái độ hăng hái của Pháp:

Về lịch sử, Pháp có tình cảm lịch sử đặc biệt với các nước Maghreb (các nước Bắc Phi, Địa Trung Hải). Nếu Kadhafi có thể trụ vững trong cuộc bạo động này, ảnh hưởng của ông ta sẽ lan tỏa khắp châu Phi, đây là điều cực kỳ bất lợi đối với Pháp.

Về ngoại giao, chính phủ của Tổng thống Sarkozy đang ra sức thúc đẩy xây dựng “Liên minh các nước Địa Trung Hải” và muốn lãnh đạo liên minh này. Trong tình hình bạo loạn như vậy, Pháp phải thể hiện hình ảnh của một nước lãnh đạo của khu vực, tuyệt đối không để Mỹ làm thay việc này.

Về tình hình trong nước, Tổng thống Sarkozy cũng hy vọng thông qua việc "hạ bệ" Kadhafi để cải thiện tỷ lệ ủng hộ trong nước đối với ông, vớt vát lại những gì khiến ông “mất mặt” trong việc xử lý các vấn đề của Ai Cập và Tuynidi. Hơn nữa, nếu hành động quân sự lần này có thể lật đổ được ông Kadhafi, đây sẽ là một lợi thế lớn đối với Tổng thống Sarkozy trong cuộc bầu cử vào năm tới. Pháp xưa nay vẫn bị cho là chỉ chạy theo Mỹ, không có vai trò nổi bật trong các sự kiện quốc tế. Vì vậy, với việc chủ động tích cực tham chiến ở Libi, hình ảnh của Pháp đã được thay đổi đáng kể.

Giáo sư Ngô Băng Băng nhấn mạnh, cho dù cái giá phải trả cho chiến dịch quân sự này rất lớn, song Pháp cũng đã thấy trước được những lợi ích to lớn mà nó mang lại. Có thể nói, trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Libi, Pháp sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất, tiếp đến là Liên minh châu Âu. Theo phân tích của Giáo sư Ngô Băng Băng, lập trường của các nước tham gia cuộc chiến chống Libi không giống nhau, Mỹ và Đức có thái độ “chờ xem”, trong khi Anh và Pháp lại lo ngại “quá muộn”. Nay khi Pháp và Anh đã nắm lấy “cơ hội cuối cùng”, Mỹ và Đức có muốn “đứng ngoài cuộc” cũng không được.

Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)