02:09 15/02/2011

Ai Cập:Ra tối hậu thư cho những người cố thủ

Trước tình trạng hàng chục người không chịu về nhà như phần lớn người biểu tình Ai Cập khác mà vẫn cố thủ tại quảng trường Tahrir, quân đội nước này ngày 14/2 đã phải ra tối hậu thư đề nghị họ rời khu vực biểu tình nếu không sẽ bị bắt giữ.

Trước tình trạng hàng chục người không chịu về nhà như phần lớn người biểu tình Ai Cập khác mà vẫn cố thủ tại quảng trường Tahrir, quân đội nước này ngày 14/2 đã phải ra tối hậu thư đề nghị họ rời khu vực biểu tình nếu không sẽ bị bắt giữ.

Ngày trước đó, binh lính đã ẩu đả với người biểu tình khi cố gắng giữ cho giao thông thông suốt qua khu vực quảng trường Tahrir. Những người này cố bám trụ tại tâm điểm của hoạt động biểu tình nhằm đòi được đáp ứng thêm các yêu sách khác.

Quân đội Ai Cập thu dọn rào chắn do người biểu tình dựng lên ở quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP – TTXVN


Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình cho biết người dân Ai Cập sẽ biểu tình nữa nếu những yêu cầu về một thay đổi cơ bản không được đáp ứng. Họ dự định tổ chức một cuộc "Tuần hành chiến thắng" vào 18/2 tới để ăn mừng cuộc cách mạng thành công. Theo hãng tin Reuters, cuộc "Tuần hành chiến thắng" có thể còn là một lời nhắc nhở đối với quân đội về sức mạnh của làn sóng biểu tình.

Sau khi đình chỉ hiến pháp và giải tán Quốc hội ngày 13/2, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã lên kế hoạch ban hành các lệnh nhằm kiềm chế tình trạng chia rẽ và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.


Theo hãng tin Reuters, các lệnh này sẽ cấm các công đoàn lao động hoặc các tổ chức nghề nghiệp hội họp và cấm bãi công. Một nguồn tin quân đội còn cho biết, dù vẫn thừa nhận quyền được biểu tình của người dân nhưng quân đội sẽ tỏ ra cứng rắn đối với những ai gây ra tình trạng mất trật tự và hỗn loạn.

Cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài 18 ngày vừa qua cũng làm nảy sinh hàng loạt vụ biểu tình nhỏ khác của công nhân và cả lực lượng cảnh sát. Ngày 14/2, trước cửa chi nhánh Ngân hàng Alexandira ở trung tâm thủ đô Cairô, hàng trăm nhân viên của ngân hàng này đã biểu tình đòi những người lãnh đạo của họ phải từ chức. Các vụ biểu tình, đình công cũng diễn ra ở nhiều cơ quan thuộc sở hữu nhà nước trên toàn Ai Cập như sàn chứng khoán, công ty dệt may, công ty thép, các tổ chức báo chí, cơ quan bưu chính, ngành đường sắt, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế… Người biểu tình cho biết, sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ, họ đã có động lực để nói ra chính kiến của mình.

Trước đó ngày 13/2, một nhóm cảnh sát cấp bậc thấp đã tuần hành qua Bộ Nội vụ đòi tăng lương, phụ cấp, đòi được đối xử công bằng và đòi hành hình cựu Bộ trưởng Nội vụ Habid al-Adly.


Đại diện của hơn 1.000 cảnh sát biểu tình đã gặp Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Mahmoud Wagdy - người đã đồng ý tăng gấp đôi trợ cấp cho cảnh sát. Ông Wagdy cũng cam kết sẽ không có cảnh sát nào bị xét xử trước toà án quân đội vì vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các cảnh sát tham gia biểu tình cũng khẳng định, họ sẽ tiếp tục cho đến khi Bộ trưởng Nội vụ ra một thông báo phát trên truyền hình.

Cùng ngày, tại thành phố Sharm El-Sheikh và El Gorah trên bán đảo Sinai, hơn 700 người đã biểu tình ngồi đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Những người biểu tình này là nhân viên một công ty cung cấp dịch vụ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia giám sát hiệp định hòa bình Ai Cập - Ixraen ký năm 1979. Tại thành phố Arish, khoảng 300 người đã phát động cuộc đình công tại bệnh viện và các khu mỏ đòi công ăn việc làm ổn định và chế độ bảo hiểm y tế.

Liên quan đến ông Mubarak, tờ "Ai Cập ngày nay" dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết ông đã rơi vào tình trạng hôn mê ngày 12/2 và hiện đang được chăm sóc y tế, song chưa có quyết định về việc có đưa vị cựu Tổng thống 82 tuổi này đến bệnh viện hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Ahmed Shafic cho biết, ông Mubarak đang ở Sharm El-Sheikh, bác bỏ tin đồn cựu Tổng thống đã trốn ra nước ngoài.

l Liên quan đến làn sóng biểu tình ở các nước khác trong khu vực, 3.000 sinh viên và luật sư đã xuống đường tại thủ đô Xana (Yêmen) tiếp tục biểu tình trong ngày thứ hai liên tiếp đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Tuy nhiên, họ đã bị cảnh sát chặn bằng hàng rào thép gai.


Trước đó, tại thành phố cảng Aden ở miền nam Yêmen, lực lượng an ninh đã giải tán khoảng 1.500 người biểu tình, bắt giữ 10 người. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Salehđã quyết định hoãn chuyến thăm Mỹ để tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.

Tương tự, làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt tại Angiêri khi các lãnh đạo phe đối lập thuộc Phong trào Phối hợp vì sự thay đổi và dân chủ (CNDC), ngày 14/2 (giờ Việt Nam) đã tuyên bố tổ chức một cuộc biểu tình thứ hai vào ngày 18/2 ở thủ đô Angiê bất chấp lệnh cấm biểu tình. Theo kế hoạch, cuộc tuần hành sẽ bắt đầu từ quảng trường 1/5 - nơi diễn ra cuộc biểu tình hôm 13/2 vừa qua.

Trong khi đó, đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát vũ trang với các nhóm thanh niên biểu tình tại Baranh. Hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại ngôi làng Newidrat có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống ở khu vực tây nam Baranh, trong đó nhiều thanh niên đã có hành động quá khích buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Tại thủ đô Manama, các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng báo động cao nhất về khả năng những người biểu tình có thể đổ ra các tuyến đường chính theo kịch bản giống như Ai Cập hay Tuynidi.

Làn sóng biểu tình tại Trung Đông và Bắc Phi cũng đã bắt đầu lan tới Iran khi tối 14/2 hàng nghìn người đã tập trung ở Quảng trường Azadi ở thủ đô Têhêran để tham gia cái gọi là tuần hành ủng hộ thế giới Arập do phe đối lập nước này phát động. Cảnh sát chống bạo động Iran đã buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để đối phó với sự cuồng nộ của những người biểu tình.

Nam Dương - TTG