05:15 26/05/2014

Ai Cập bầu cử tổng thống

Ngày 26/5, các cử tri Ai Cập đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống - chặng thứ hai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 26/5, các cử tri Ai Cập đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống - chặng thứ hai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai tại Ai Cập trong chưa đầy 2 năm qua và là lần thứ bảy cử tri nước này đi bỏ phiếu nếu tính từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ sau làn sóng biểu tình kéo dài 18 ngày hồi đầu năm 2011. Người đắc cử trong cuộc bỏ phiếu này sẽ trở thành vị tổng thống thứ sáu của Ai Cập kể từ cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến và thiết lập nền cộng hòa vào tháng 6/1953.

Cử tri Ai Cập bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Cairo.Ảnh: AFP - TTXVN


Tại cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong ngày 26-27/5 này, chỉ có hai ứng cử viên duy nhất đăng ký tham gia và cùng dắt tay nhau lọt vào vòng đấu loạt trực tiếp là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi và chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi. Đây là cuộc bầu cử tổng thống có số lượng ứng cử viên ít nhất kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak tiến hành cải cách Luật bầu cử tổng thống vào năm 2005, qua đó dọn đường cho nhiều người tham gia tranh cử.

Theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên TTXVN tại Cairo, trái với không khí tại cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới được tổ chức vào giữa tháng Một vừa qua, giao thông ở thủ đô khá nhộn nhịp vào đầu giờ sáng. Đông đảo người dân Ai Cập có mặt từ rất sớm và xếp hàng trật tự trước giờ mở cửa các địa điểm bỏ phiếu. Các cử tri đều bày tỏ kỳ vọng rằng tân Tổng thống sẽ nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn kéo dài từ hơn 3 năm nay và khôi phục nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ.

Quân đội và cảnh sát được triển khai dày đặc quanh các địa điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước, nhất là tại Cairo và các tỉnh Gharbiya, Sharqiya và Fayoum thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile. Tổng cộng gần 182.000 binh sĩ tinh nhuệ cùng 220.000 cảnh sát và 500 lính biệt kích đã được triển khai để bảo vệ an ninh tại 25.343 hòm phiếu trên khắp cả nước, cũng như các địa điểm trọng yếu như kênh đào Suez và trụ sở các cơ quan nhà nước đầu não. Đây là lực lượng an ninh đông đảo nhất từ trước đến nay được huy động để bảo đảm an ninh cho một cuộc bầu cử.

Theo Tổng Thư ký Ủy ban bầu cử Tổng thống Ai Cập (PEC) Abdel-Aziz Soliman, tất cả các địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã mở cửa đúng giờ. Hơn 53,9 triệu người trong tổng số 90 triệu dân Ai Cập đủ tư cách tham gia bỏ phiếu, cao hơn 1,2 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu năm nay. Thống kê ban đầu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Trong buổi sáng, tiến trình bỏ phiếu diễn ra hoàn toàn suôn sẻ, bất chấp lời kêu gọi biểu tình, tẩy chay bầu cử của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi, cũng như nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan. Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải, lực lượng an ninh đã giải tán một cuộc biểu tình nhỏ của những người ủng hộ ông Morsi.

Đài truyền hình quốc gia Ai Cập đưa tin ngay trong ngày đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, một quả bom tự chế đã phát nổ bên ngoài một điểm bầu cử tại thành phố El-Mahalla El-Kubra. Tuy nhiên, cảnh sát Ai Cập đã bác bỏ thông tin trên.

Khoảng 16.000 thẩm phán tham gia giám sát tiến trình bỏ phiếu tại 14.352 tiểu ban bầu cử trên toàn quốc. Ngoài ra, 79 tổ chức phi chính phủ trong nước; 6 tổ chức nước ngoài trong đó có Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, tổ chức Minh bạch Quốc tế, Trung tâm Carter và tổ chức Dân chủ Quốc tế (DI) có trụ sở tại Mỹ; cùng các quan chức của Ủy ban bẩu cử Trung ương của Ấn Độ, Mexico, Jordan và Nigeria tham gia giám sát bầu cử. Trong khi đó, 81 cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế được cấp phép đưa tin về cuộc bầu cử này.

Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 25/5, Tổng thống lâm thời Atly Mansour một lần nữa khẳng định nhà nước "trung lập" giữa các ứng cử viên và hối thúc cử tri "tự do bày tỏ ý nguyện" của mình trong cuộc bỏ phiếu sẽ "định hình tương lai dân chủ, công bằng và bình đẳng của đất nước", đồng thời nhằm chứng minh cho cả thế giới thấy rằng cuộc nổi dậy của dân chúng vào ngày 30/6 năm ngoái không phải là một sự kiện nhất thời mà là "cuộc cách mạng chín muồi".

Theo các nhà phân tích, ứng cử viên Sabahi hầu như không còn bất kỳ cơ hội nào để lật ngược tình thế và chiến thắng đã nằm trọn trong tay của ông el-Sisi. Tuy nhiên, không vì vậy mà cuộc đua này kém phần hấp dẫn. Sự chú ý hiện tập trung vào tỷ lệ cử tri đi bầu. Nếu đạt cao hơn mức 52% của cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, điều này sẽ giúp khẳng định thêm uy tín của ông el-Sisi và thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của cử tri Ai Cập đối với nhà cựu lãnh đạo quân đội này. Mặt khác, nếu chính trị gia cánh tả Sabahi rút ngắn được khoảng cách quá chênh lệch so với đối thủ, điều này sẽ khiến vị tân Tổng thống xuất thân từ quân đội phải kiêng dè hơn đối với các lực lượng chính trị đối lập, ngoài phe Hồi giáo đang bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Theo kế hoạch, kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 5/6. Sau cuộc bầu cử tổng thống lần này, Ai Cập dự kiến sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào cuối năm nay.


TTXVN/Tin Tức