06:09 21/06/2012

A Lưới thay đổi tập quán thâm canh

Theo bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì hiện huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) mới có 4 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 4 xã đạt 6 - 7 tiêu chí, số xã còn lại đạt dưới 5 - 6 tiêu chí.

Theo bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì hiện huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) mới có 4 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 4 xã đạt 6 - 7 tiêu chí, số xã còn lại đạt dưới 5 - 6 tiêu chí. Có nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí mà các xã nay rất khó đạt được như: Cơ sở vật chất văn hóa, chợ, thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo và an sinh xã hội, cơ cấu lao động...

 

Thế mạnh của A Lưới là hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh nhờ biết khơi dậy và phát huy truyền thống của vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Chương trình 135 và các chương trình hỗ trợ đầu tư khác đã giúp A Lưới xây được 2.663 ngôi nhà mới. Huyện cũng đã triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất, giúp người nghèo có nơi ở ổn định. Các hộ dân ở đây cũng đã trồng mới 6.000 ha rừng; khai hoang thêm 212 ha đất trồng trọt, và phát triển chăn nuôi.


 

Nhiều chương trình đã giúp A Lưới xây mới hàng ngàn ngôi nhà cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: tinhuyhue.vn

 

Trong các năm từ 2010 đến nay, huyện A Lưới đã đầu tư 29 công trình xây dựng cơ bản, với 10 km đường giao thông, cầu, trường học, trạm y tế và các công trình phụ trợ khác. A Lưới có 6/21 xã bao gồm: A Ngo, Hồng Kim, Bắc Sơn, Hồng Quảng, Hồng Thượng, Hương Phong được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình 135. Đến nay, A Lưới đã có gần 95% hộ được dùng điện; cầu, đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đến từng thôn bản; hơn 70% số hộ sử dụng nước sạch, các công trình thủy lợi tưới tiêu cho gần 1. 700 ha lúa nước. 100% xã phủ sóng truyền thanh và truyền hình; 100% xã có trường học kiên cố và trạm xá có bác sĩ tại chỗ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngay từ tuyến cơ sở. Nếu trước đây, toàn huyện có 12 xã (trong số 21 xã) và 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là 38,74%, thì đến thời điểm hiện tại tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 17,6%.


Tuy nhiên, để giảm hộ nghèo ở A Lưới xuống dưới mức 6% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới là vấn đề cực kỳ nan giải. Ngay cả các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nếu không có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước đối với địa bàn miền núi vốn rất khó khăn như ở A Lưới thì cũng khó có được kết quả như hiện nay, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Xuân Trăng khẳng định như vậy. Ông cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở, cùng với đó là năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, tập quán sinh hoạt, tiêu dùng... chậm được thay đổi, tư duy phát triển kinh tế chưa được hình thành. Những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện A Lưới. Mặt khác, ý thức tự thoát nghèo, vươn lên tự làm giàu của đồng bào trong vùng dân tộc thiểu số có nơi còn chưa mạnh mẽ.


Nhằm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị nhận giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn ở A Lưới bằng cách hỗ trợ vốn, cây, con giống, phân bón theo lối "cầm tay, chỉ việc". Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp (thuộc Trường đại học Nông lâm Huế) trực tiếp hỗ trợ và đã đầu tư thực hiện mô hình trình diễn trồng chuối giống mới, năng suất cao ở tại nhà dân để bà con trong thôn, bản cùng học tập. Đây cũng là cách làm hay, bởi để vận động bà con tham gia các chương trình có hiệu quả thì trước tiên là phải "mắt thấy, tai nghe". Ở xã Hồng Thủy bây giờ, có gia đình trồng được 5 ha chuối ba lùn, thu nhập khoảng hơn 70 triệu đồng/năm. Chương trình dự án kinh tế - quốc phòng A So, đã giúp đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ quốc kế dân sinh như: Xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho khoảng 400 ha đất nông nghiệp; xây dựng trại cây giống tại các xã Hương Phong, Hương Lâm với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng; chi gần 10 tỉ đồng xây dựng chợ A So, mở đường lên A Đớt; bàn giao công trình đường A So - Con Tơm, đập nước tự chảy khe La Tinh; đầu tư toàn bộ giống cây ăn quả, bò giống cho 155 hộ dân. Cùng với bà con trồng 845,6 ha rừng phòng hộ; 5 ha tre lấy măng, khoanh nuôi 500 ha rừng tái sinh, quản lí bảo vệ 5.000 ha rừng đầu nguồn; sắp xếp bố trí lại dân cư cho 432 hộ dân thuộc 5 xã trong khu kinh tế - quốc phòng A So...


Để giảm tỉ lệ hộ nghèo vào năm 2020 xuống còn dưới 6%, A Lưới đang phát huy thế mạnh bằng các chương trình trồng cây chuối, cà phê, cao su thích hợp với điều kiện khí hậu ở đây để tạo ra nguồn thu nhập cao, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Diện tích trồng cà phê trên địa bàn các xã Nhâm, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Bắc và Hồng Quảng với hơn 1.000 ha cho thu hoạch với năng suất và chất lượng ổn định. Đồng bào dân tộc ở các xã Nhâm, Hồng Thượng tự nguyện vào làm công nhân nông trường sản xuất cà phê ở A Lưới. Cây cao su trồng ở các xã như Hương Nguyên, Hồng Hạ... từ năm 2008 đến nay đã cao bình quân khoảng 3 m, hiện đã có 3 tầng lá ổn định. Đây là tiền đề để huyện A Lưới tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển cây cao su đạt khoảng 3.000 ha vào năm 2015.


Quốc Việt