08:07 14/08/2014

92 lao động Việt tại Libya sơ tán bằng đường bộ qua Tunisia

Nhóm 92 lao động Việt Nam tại Libya đã được sơ tán sang Tunisia qua cửa khẩu đường bộ Ras Ajdir vào ngày 13/8.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết nhóm 92 lao động Việt Nam tại quốc gia Bắc Phi này đã được sơ tán sang Tunisia qua cửa khẩu đường bộ Ras Ajdir vào ngày 13/8.

Số lao động nói trên gồm tất cả 92 người và được nhiều công ty phái cử sang làm việc tại thủ đô Tripoli và các khu vực lân cận của Libya. Các lao động này được tập hợp thành 3 tốp, hoặc được chủ sử dụng lao động địa phương hoặc tự thuê xe vượt quãng đường gần 200 km lên cửa khẩu để sơ tán về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã cử 2 cán bộ thông thạo địa bàn đi theo đoàn để hỗ trợ các lao động làm thủ tục xuất cảnh sang Tunisia.

Tối 13/8, toàn bộ số lao động này đã tới biên giới Tunisia an toàn và được đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cũng như đại diện các công ty đang có mặt tại cửa khẩu Ras Ajdir tiếp đón và đưa tới các sân bay Tunis và Djerba để về Việt Nam trên các chuyến bay thương mại trong các ngày 14-16/8.

Lao động Việt Nam về đến sân bay Nội Bài ngày 12/8. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Trước đó, hôm 7/8, Đại sứ quán Tunisia tại Bắc Kinh cho biết chính phủ nước này đã đồng ý về nguyên tắc cho phép các công dân Việt Nam quá cảnh để tiếp tục sơ tán bằng đường hàng không từ Tunisia về Việt Nam.

Cũng trong ngày 13/8, ông Trần Tam Anh, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, cho biết hiện Bộ Ngoại giao nước này đã chấp nhận về mặt chủ trương cho phép nhóm lao động Việt Nam thứ hai gồm 33 người nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ Salloum nằm trên biên giới giữa Libya và Ai Cập. Sáng 14/8, đoàn công tác tiền trạm của Sứ quán sẽ lên đường tới cửa khẩu này để làm trước các thủ tục hành chính, chuẩn bị tiếp nhận số lao động này vào ngày 16/8 tới và đưa về Cairo để bắt các chuyến bay thương mại về nước.

Hôm 7/8, nhóm 25 lao động của công ty Vinaconex-Mec và Simco Sông Đà đã được các cơ quan hữu quan Ai Cập đặc cách nhập cảnh sau 4 ngày bị mắc kẹt tại vùng đệm của cửa khẩu Salloum. Số lao động này sau đó đã được chuyên chở tới Cairo bằng xe buýt và về tới thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/8 trên chuyến bay thương mại của Hãng hàng không quốc gia Qatar (Qatar Airways).
 
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 7 vùa qua, có khoảng 1.750 lao động Việt Nam tại Libya. Cho tới nay, phần lớn các lao động đã được các chủ sử dụng lao động nước ngoài - trong đó có hai nhà thầu Huyndai E&C, Doosan Heavy Industries & Construction của Hàn Quốc và TML của Thổ Nhĩ Kỳ - sơ tán về nước bằng đường không qua ngả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.


TTXVN/Tin tức