07:11 05/07/2014

72% dân Tây Nguyên đã có nước sạch

Trên 72% dân ở khu vực Tây Nguyên đã có nước sạch để sử dụng, trong đó tỉnh Đắk Lắk là nơi có nhiều người được dùng nước sạch nhất với tỷ lệ 81%.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 2,93 triệu dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh (đạt trên 72% trong tổng số dân trên địa bàn), từng bước chấm dứt tình trạng sử dụng nước ao hồ, sông suối làm nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào. Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có số dân ở vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh nhiều nhất, chiếm 81% trong tổng số dân trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, các tỉnh Tây Nguyên đã ưu tiên đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh và hàng trăm ngàn giếng đào, giếng khoan bể chứa… cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng 90 công trình cấp nước tập trung và trên 220.000 công trình giếng khoan, giếng đào cho đồng bào ở nông thôn.

Nhiều vùng nông thôn thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana, Ma Đ’rắk, Buôn Đôn… (Đắk Lắk) trước đây, hàng ngày đồng bào phải mất nhiều thời gian ra sông, suối để gùi từng ống tre, xô nước về dùng nên thường ốm đau, bệnh tật. Thậm chí, đến mùa khô, các dòng sông, con suối khô kiệt, cáu bẩn, đồng bào phải vét, hứng từng ngụm nước không hợp vệ sinh về dùng. Từ vài năm trở lại đây, các địa phương này được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, đưa nước hợp vệ sinh, nước sạch về từng hộ gia đình, chấm dứt tình trạng thiếu nước hợp vệ sinh để sinh hoạt như trước.

Nước sạch đã về vùng sâu Cư Mlan, Ea Súp (Đắk Lắk). Ảnh: vbsp.org.vn


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp các nhà máy nước để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho đồng bào các dân tộc ở các đô thị. Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư khai thác nguồn nước ngầm, với công suất cấp nước từ 42.000 đến 49.020 mét khối nước/ngày đêm để cấp cho đồng bào các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột.

Tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây dựng nhà máy nước với công suất 35.000 mét khối/ngày đêm và khai thác nguồn nước từ hồ Xuân Hương, Đankia, Than Thở để cung cấp cho thành phố Đà Lạt…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh giai đoạn từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, các công trình nhỏ lẻ giếng đào, giếng khoan, bể chứa…, phấn đấu có từ 85% dân số ở vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các nhà máy nước đảm bảo 100% dân số ở các đô thị được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch.


Quang Huy