05:15 07/05/2015

6 ngày ‘bão tố’ quyết định vận mệnh châu Âu

Một cơn bão “điên loạn” có thể càn quét châu Âu trong 6 ngày tới, đẩy lục địa này vào tình thế đầy khó khăn.

Một cơn bão “điên loạn” có thể càn quét châu Âu trong 6 ngày tới, đẩy lục địa này vào tình thế đầy khó khăn.

Ngày hôm nay (7/5), nước Anh tiến hành cuộc bầu cử quốc hội, mà kết quả cuối cùng có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, thổi bùng mối đe dọa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hôm 11/5, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ lại phải gặp nhau trong một nỗ lực nhằm cứu vớt cuộc khủng hoảng mang tên Hy Lạp. Chỉ một ngày sau đó, Athens sẽ phải hoàn trả khoản tiền 774 triệu USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu không sẽ là nguy cơ eurozone không còn Hy Lạp.

Cả châu Âu đang dõi theo cuộc bầu cử ở Anh. Ảnh: Reuters


Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Anh bình luận: “Trong 30 năm qua, tôi chưa từng chứng kiến một bầu không khí ‘điên loạn’ như lúc này. Cụm từ bất ổn thường chỉ dùng để chỉ các diễn tiến chính trị, tỉ giá, thị trường, biến số kinh tế vi mô ví như lạm phát. Chẳng ai mảy may nghĩ tới khả năng sụp đổ khung thể chế. Giờ là lúc không thể chắc rằng liệu đồng euro sẽ tồn tại và EU vẫn sẽ một khối thống nhất trong vòng 2 năm tới”.

Xem ra có rất ít các viễn cảnh tích cực. Tại Anh, kịch bản “tốt” là Công đảng thắng cử và loại được nguy cơ trưng cầu dân ý rời khỏi EU (Thủ tướng David Cameroon tuyên bố sẽ thực hiện vào năm 2017 nếu đảng Bảo thủ thắng cử), thì vẫn tiềm ẩn bất ổn. Những quan ngại về sự tan rã của nước Anh khi đó sẽ lại nổi lên, vì đảng Dân tộc Scotland (SNP) có chân trong chính phủ mới chắc chắn khơi lại kế hoạch đòi tách Scotland khỏi Vương quốc Anh. Tại Hy Lạp, ngay cả khi Athens và các chủ nợ châu Âu đạt được thỏa thuận vào tuần tới, thì vẫn còn đó vấn đề gói cứu trợ thứ 3 mà nước này cần phải nhận được để giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chính trong nước.

Tại thời điểm hiện nay, giới ngân hàng - tài chính London, trung tâm tài chính châu Âu, tỏ ra quan ngại lớn trước khả năng Anh rời khỏi eurozone (Brexit) hơn là trường hợp của Hy Lạp (Grexit). Kết quả thăm dò do mạng tư vấn toàn cầu Grant Thorton thực hiện cho thấy, 2/3 số doanh nghiệp thuộc eurozone coi Brexit sẽ có tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực, trong khi con số đó với Grexit chỉ là 45%. Tại Anh, 72% số công ty được hỏi nói rằng, việc nước này rời khỏi eurozone là “ý tưởng tồi”. Đó là những con số đáng phải lưu ý, khi mà Grexit hiện vẫn được xem là mối đe dọa trước mắt.

Quyền Giám đốc điều hành Grant Thorton, Sacha Romanovich, bình luận: Không chỉ doanh nhân Anh, mà giới đầu tư – tài chính ở Mỹ cũng rất quan ngại đến viễn cảnh Brexit, vì “London được xem là cửa ngõ để các doanh nghiệp Mỹ tiến vào châu Âu. Theo bà ngay cả khi khả năng xảy ra Brexit ở mức thấp, thì chỉ riêng nỗi lo về những diễn biến không chắc chắn trong 2 năm tới tự thân nó đã gây ra những tác động tiêu cực đối với cả Anh và EU.

Athanasios Vamvakidis, chiến lược gia trưởng của Tập đoàn Bank of America Merril Lynch tại London nhìn nhận, Grexit có thể diễn ra trong 2 tháng tới, trong khi mối lo về Brexit còn đeo đẳng trong 2 năm. Điểm chung là cả hai sẽ tạo ra những mối đe dọa lớn tiềm tàng đối với kinh tế châu Âu mà muốn tháo được các “ngòi nổ” này cần phải có các chính sách phù hợp. Hy Lạp chỉ chiếm chưa đầy 2% GDP của eurozone, nhưng việc nước này rời khỏi khu vực đồng tiền chung sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Không giải quyết được bài toán Hy Lạp, niềm tin vào một nền điều hành vững mạnh trong khối EU sẽ bị suy giảm. Đó sẽ là cú hích để đẩy nước Anh tách mình khỏi những vấn đề tại châu lục và theo đuổi đường hướng rời khỏi EU. 

Giám đốc một quỹ đầu tư tại London bình luận, sự thật nằm ở chỗ không ai biết chắc được được gì: “Grexit có thể sẽ là Lehman Brothers, hoặc không. Brexit có thể gây ra những thiệt hại to lớn, hoặc cũng chỉ là một sự vụt tắt trên màn hình radar kinh tế của chúng ta. Câu hỏi là: Liệu sẽ còn một ai sẽ tiếp tục mạo hiểm?”.


Hoài Thanh (Theo Politico)