11:17 05/11/2014

58% doanh nghiệp làm từ thiện chưa gắn với mục tiêu kinh doanh

Theo một khảo sát gần đây của Quỹ Châu Á, mặc dù có hơn 68% DN ở Hà Nội và 84% DN ở TP HCM có các hoạt động từ thiện nhưng có đến 58% DN không gắn các hoạt động hỗ trợ đó với mục tiêu kinh doanh. Bởi vậy, hiệu quả chưa cao.

Theo một khảo sát gần đây của Quỹ Châu Á, mặc dù có hơn 68% DN ở Hà Nội và 84% DN ở TP HCM có các hoạt động từ thiện nhưng có đến 58% DN không gắn các hoạt động hỗ trợ đó với mục tiêu kinh doanh. Bởi vậy, hiệu quả chưa cao.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm "Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Phát triển phối hợp tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội. Theo kết quả nghiên cứu đối với 500 lãnh đạo DN, phần lớn hoạt động hỗ trợ từ thiện của các DN Việt Nam hiện nay tập trung vào các hoạt động hảo tâm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn (73%), cứu trợ thiên tai (51%), xóa đói giảm nghèo (47%)...

Hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người dân xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội do Unilever triển khai. Ảnh: HD


Trong khi đó, những vấn đề then chốt có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN là tham nhũng, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường và chất lượng giáo dục thì hầu như ít DN quan tâm hỗ trợ. Điều này cho thấy, nếu các DN Việt Nam hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ và có chiến lược hơn thì không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho chính DN.

Các hình thức hỗ trợ có thể đa dạng hơn như thời gian tình nguyện của người lao động, chuyên môn và công nghệ của DN chứ không chỉ là hỗ trợ về tiền mặt như hiện nay.

Về vấn đề này, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển dẫn chứng, thay vì hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường thì DN có thể hỗ trợ để nâng cao chất lượng giáo dục; thay vì hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão thì DN có thể hỗ trợ để tăng cường khả năng phòng tránh bão cho người dân...

Trong thực tế, có những DN đã thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội của mình. Chẳng hạn công ty Unilever Việt Nam, trong hai năm đầu tiên triển khai Kế hoạch Phát triển bền vững tại Việt Nam (2012 - 2013), đã có 7 triệu người được hưởng lợi trực tiếp và 19 triệu người hưởng lợi gián tiếp từ các chiến dịch giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi và cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe.

Hàng loạt chiến dịch đã được thực hiện như: “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”; “Xây dựng Trường học Xanh - Sạch - Khỏe”; “Quỹ Tiết kiệm 1 tỷ m3 nước sạch”; “Phát triển nguồn chè bền vững”; “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh, tài chính vi mô và giáo dục sức khỏe”…

Tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhắc lại câu chuyện về các doanh nhân có tâm trong lịch sử. Trong đó có gia đình ông Trịnh Văn Bô, kinh doanh rất thành đạt ở khu phố Hàng Ngang - Hàng Đào (Hà Nội). Ông nói rằng, gia đình ông kinh doanh được 10 phần thì sẽ dành 3 phần làm từ thiện xã hội.

Trách nhiệm xã hội của DN là sự cam kết của DN đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội.

Hoàng Dương