05:16 05/05/2014

52 tham luận “Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”

Sáng ngày 5/5/2014, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sáng ngày 5/5/2014, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Tham gia Hội thảo có 52 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, với những phân tích sâu sắc, ý nghĩa, khẳng định tầm quan trọng của chiến thắng này.


Toàn cảnh Hội thảo

57 tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và 15 tham luận của các nhà khoa học quốc tế đã đề cập nhiều vấn đề khác nhau, song tập trung vào các nội dung: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng đối với kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng; Đánh giá về vị trí, vai trò của các mặt trận trên chiến trường Đông Dương phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ; Vai trò của hậu phương và các lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; về nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Về vấn đề Mỹ can thiệp vào chiến trường Đông Dương và phản ứng của thế giới trước thắng lợi của Việt Nam và thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ; Về tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; Về vấn đề phát huy giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hiện nay.

 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu bật vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phương châm chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch Đông – Xuân (1953 – 1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ rõ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi đọ sức, trận đánh mang tính quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập trung mọi sức lực cho trận quyết chiến chiến lược này. 

 

Đặc biệt, tham luận của GS. NGND Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) tập trung vào việc đánh giá vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là việc đưa ra quyết định sáng suốt, táo bạo, kịp thời, chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đưa đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.


GS. Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) tham luận tại Hội thảo khẳng định vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ.


Nội dung về tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học Việt Nam và Quốc tế tại Hội thảo. Những tham luận đã phân tích sâu sắc về vấn đề này như: GS. Carl Thayer (Học Viện Quốc phòng, Australia) với bài “Ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Giơnevơ”; Tham luận “Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ” của PGS. TS. Vũ Văn Phúc (Tạp chí Cộng sản)…


TS. Rob Hurle (Đại học Quốc gia Austrlia) tham luận: Hồ Chí Minh và việc sử dụng biểu tượng để vận động nhân dân Việt Bắc – Công tác tuyên truyền mở đầu cho Điện Biên Phủ.


PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết về ý nghĩa của Hội thảo: Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là “mốc vàng” mở ra thời kỳ mới, đưa đến ký kết hiệp định Giơnevơ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, làm hậu phương, cơ sở vững chắc, mang tính chất quyết định cho thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.


GS. TSKH. Vladimir Kolotov (Đại học Quốc gia Saint Petersbung, Liên bang Nga) tham luận khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặc trong quá trình chống ngoại xâm”.


Về ý nghĩa quốc tế thì Hội thảo có các học giả người Nga, Australia, Trung Quốc, Mỹ, Pháp đã khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi diện mạo khu vực Đông Nam Á và thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam là “tiếng sấm” thức tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh, mở ra xu thế “hòa bình, hợp tác, đối thoại của các quốc gia trong lịch sử và hiện nay, để cùng nhau xây dựng một thế giới không chiến tranh, hòa bình và phát triển. 

 

Bài và ảnh: Việt Hoàng