Ngày 14/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Fujimura Osamu cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng không nhằm "ngăn chặn những hành vi xâm phạm trái phép không phận nước này của máy bay Trung Quốc".
Máy bay Trung Quốc bay qua bầu trời vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh do lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cung cấp ngày 13/12. |
Phát biểu trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ việc một máy bay Trung Quốc bay vào không phận phía trên quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông hôm 13/12.
Ông Fujimura nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ thực thi mọi biện pháp để bảo vệ không phận". Ông cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu thêm một số "hoạt động hiệu quả" của Hệ thống kiểm soát và cảnh báo máy bay của Lực lượng phòng vệ trên không như việc sử dụng máy bay có hệ thống cảnh báo sớm E-2C.
Trong một cuộc họp báo khác, Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên không, Tướng Haruhiko Kataoka xác nhận ông đang nghiên cứu các khả năng cần thiết. Nhật Bản đã triển khai lập tức các máy bay chiến đấu sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này phát hiện máy bay Trung Quốc đi vào gần vùng biển tranh chấp.
Trong khi đó, ngày 14/12, Trung Quốc đã khẳng định sự cần thiết của việc điều máy bay hải giám tới không phận trên quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối việc Tokyo điều máy bay chiến đấu ra quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi phát hiện máy bay của Trung Quốc. Ông lưu ý rằng Nhật Bản đã triển khai tàu và máy bay "trái phép" trong vùng biển và không phận của Điếu Ngư/Senkaku từ tháng 9 và Bắc Kinh kịch liệt phản đối điều này. Ông cho biết Trung Quốc đã trao các công hàm phản đối Nhật Bản, nhưng không nhận được phản hồi từ phía Tôkiô.
Trước tình hình trên, ngày 14/12, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell kêu gọi hai bên tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng kêu gọi hai nước đối thoại để tránh tái diễn những vụ việc tương tự.
* Sáng 15/12, Nhật Bản đã bắt đầu rút các tên lửa đánh chặn khỏi Okinawa để di chuyển tới các vị trí khác. Theo nguồn tin trên, các tên lửa đánh chặn được triển khai tại Okinawa là nhằm bảo vệ đất nước trước nguy cơ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ nước này. Sau khi không có thiệt hại từ vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng hôm 12/12, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đưa một trong các khẩu đội tên lửa phòng không PAC-3 lên một tàu vận tải ở cảng Nakagusuku của Okinawa vào sáng 15/12. Dự kiến, trong ngày 16/12, toàn bộ các tên lửa PAC-3 triển khai tại 4 vị trí ở tỉnh Okinawa cũng sẽ được di chuyển.
TTXVN/Tin tức