07:15 13/07/2014

5 tàu sân bay khủng nhất thế giới

Báo "Rossyskaya Gazeta" đã liệt kê những tàu sân bay khủng nhất mà thậm chí cả cá voi xanh cũng phải ghen tỵ.

Các lực lượng vũ trang hiện đại cần có khả năng cơ động cho nên những cuộc di chuyển quân nhiều tháng bằng voi, viễn chinh kéo dài nửa năm đã trở thành câu chuyện quá khứ. Nay khi kết quả quân sự được định đoạt bằng ngày, thậm chí là bằng giờ, không có gì hiệu quả hơn tàu sân bay. Trong bài viết của mình, báo "Rossyskaya Gazeta" đã liệt kê những tàu sân bay khủng nhất mà thậm chí cả cá voi xanh cũng phải ghen tỵ.

1. Shinano


Tàu sân bay khổng lồ của Nhật Bản khó có thể được xem như vũ khí hiện đại bởi năm 1944 nó bị đánh chìm khi đang thực hiện nhiệm vụ đầu tiên. Tuy nhiên điều không nghi ngờ là nó rất lớn về kích thước, đặc biệt là vào thời điểm đó. Con tàu dài 266m, lượng choán nước 68.060 tấn. Hãy tưởng tượng tàu Titanic huyền thoại chỉ dài hơn Shinano có 3m, trong khi lượng choán nước kém Shinano 10.000 tấn.

Ban đầu Shinano được đóng như tàu chiến thứ 4 thuộc lớp Yamato, tuy nhiên kế hoạch thiết kế thay đổi do trong cuộc chiến giành Midway, Hải quân Nhật Bản mất 4 tàu sân bay mới nhất cùng cả một nhóm tàu nhỏ hơn.

Vội vàng được đóng, rốt cục chiếc tàu khổng lồ cũng nhanh chóng bước vào cuộc chiến cuối cùng. Tháng 11/1944, con tàu trúng ngư lôi từ tàu ngầm Mỹ. Các ngăn chống ngấm nước được lắp đặt không chuẩn xác đồng thời thủy thủ đoàn cũng thiếu kinh nghiệm. Shinano chìm 7 tiếng sau khi trúng đạn, và 17 tiếng sau khi rời khỏi cảng.

2. Varyag - Liêu Ninh


Con tàu khổng lồ có số phận thú vị và đáng buồn được đặt ki tại nhà máy đóng tàu Nikolayev năm 1985, hạ thủy năm 1988. Phần lớn các trang thiết bị của tàu bị mất, và khả năng sẵn sàng chiến đấu chung được đánh giá chỉ hơn 60%. Sau khi Liên Xô tan rã, con tàu thuộc về Ukraine, và nước này cho tới năm 1998 chỉ đầu tư vào con tàu này số tiền đủ để nó có thể hoạt động.

Năm 1998, con tàu khổng lồ dài 304,5m, lượng giãn nước 59.500 tấn bị Kiev chính thức bán đi với cái giá nực cười 20 triệu USD. Người mua là một công ty tư nhân Trung Quốc, tuyên bố sẽ biến chiếc tàu sân bay chưa hoàn tất này thành công viên giải trí và casino. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã quốc hữu hóa con tàu và hoàn thiện nó. Nhờ thế, năm 2011, Trung Quốc gia nhập nhóm các nước có lực lượng vũ trang sở hữu tàu sân bay.

3. Đô đốc Kuznetsov


Chiếc tàu sân bay lớn nhất và mạnh nhất của châu Âu và châu Á cũng được đóng tại xưởng đóng tàu Nikolaev năm 1982. Nó được đặt theo tên Đô đốc Hạm đội Xô viết, Nicholai Gerasimovitch Kuznetsov.

Con tàu sở hữu mọi tính năng tiên tiến: Đường băng cất hạ cánh mở rộng cho các máy bay Su-25, Su-27 và MiG-29; thân tàu đóng theo phương pháp đặc biệt thành nhiều khối trọng lượng tới 1.400 tấn; dây cáp dừng báy bay, hệ thống hạ cánh quang học Luna; và hệ thống nâng máy bay bên sườn lần đầu tiên xuất hiện trên con tàu này. Đô đốc Kuznetsov có chiều dài gấp 3 sân bóng đá, nó giống như tháp Eiffel không chóp khi cao 306m. Tàu có thể chở 25 máy bay cùng 25 trực thăng.

Vũ khí tạo nên sự khác biệt cho Đô đốc Kuznetsov so với các tàu sân bay tiêu chuẩn khác với 12 ống phóng hệ thống tên lửa đối hạm 4K80 Granit, 8 ống phóng Kortik với kho đạn gồm 256 tên lửa, 6 cao xạ 6 nòng AK-630M cỡ 30mm với 48.000 viên đạn và 4 hệ thống phóng tên lửa phòng không 6 nòng Kinzal. Radar cũng thuộc loại đỉnh cao với các hệ thống Beysur, Buran-2 và radar kiểm soát bay Resistor. Đô đốc Kuznetsov có thủy thủ đoàn gồm gần 2.000 người. Nó thực sự là niềm tự hào của Nga.

Năm 2015, tàu sẽ thay thế các máy bay chiến đấu đa năng MiG-29K bằng Su-33. Dự kiến nó sẽ được đại tu vào năm 2017.

4. Nimitz


Con tàu của Mỹ được đặt theo tên Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ II - Chester W. Nimitz. Tàu Nimitz đặt ki từ năm 1968 và trở thành một trong những tàu chiến đầu tiên loại này chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu tham gia vào chiến dịch "Vuốt Đại bàng" bất thành năm 1980. Tháng 5/1981, trên tàu xảy ra sự cố với máy bay Prowler khi hạ cánh làm 14 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Tàu Nimitz dài 332m với lượng giãn nước gần 100.000 tấn. Các số liệu khổng lồ này không giúp ích gì khi năm 2008, 2 máy bay ném bom Tu-95MS của Nga đã bay phía trên con tàu ở độ cao chỉ 600m.

5. Enterprise


Năm 1960, chiếc tàu dài nhất thế giới CVN-65 Enterprise - 342m, được hạ thủy. Enterprise cũng là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới với thủy thủ đoàn gần 5.000 người. Mỹ dự kiến đóng tổng cộng 6 tàu sân bay như vậy, tuy nhiên chỉ chiếc tàu đầu tiên Enterprise, trị giá 451 triệu USD, đã làm lung lay nền kinh tế Mỹ, và dự án đóng những con tàu tiếp theo bị xếp xó.

Tàu sân bay luôn được xem như đỉnh cao phát triển hải quân, tham gia vào tất cả các cuộc xung đột và chiến tranh của Mỹ. Từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho tới Chiến tranh Việt Nam, từ cuộc đối đầu trên Bán đảo Triều Tiên cho tới Nam Tư và Iraq. Con tàu này cũng không tránh khỏi tai nạn. Ngày 14/1/1969, do bất cẩn một quả tên lửa đã phát nổ trên một chiếc máy bay Phantom. Hậu quả là 15 máy bay khác bị phá hủy, 27 người thiệt mạng, 349 người bị thương. Hơn 100.000 người đã phục vụ trong 52 năm con tàu này vận hành.

Enterprise ngừng hoạt động năm 2012, và năm 2015 sẽ hoàn tất phá dỡ bất chấp sự phản đối của các cựu thủy thủ muốn thuyết phục chính phủ Mỹ biến con tàu thành bảo tàng nổi huyền thoại.


Duy Trinh