11:16 11/11/2010

5 năm tới, nâng cao năng lực cho hơn 1.000 cán bộ y tế dự phòng

(Tin tức) - Đề án đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đang được khẩn trương hoàn thiện để sớm có thể triển khai ngay trong năm sau.

(Tin tức) - Đề án đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đang được khẩn trương hoàn thiện để sớm có thể triển khai ngay trong năm sau. Nhưng làm thế nào để triển khai hiệu quả và tạo sự bền vững lâu dài cho Đề án? TS Phan Trọng Lân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Để triển khai Đề án thực hiện Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa giai đoạn 2011 - 2015 đạt hiệu quả, rất cần một đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp. Đề nghị ông cho biết cụ thể về việc đào tạo đội ngũ này?

Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) có một đặc tính rất quan trọng là các học viên được đào tạo trong "môi trường thực địa".

Trong Đề án này, tùy theo đối tượng và các khóa học, đội ngũ giảng viên sẽ được chọn cho phù hợp. Đối với các khóa ngắn hạn, giảng viên là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và kiến thức chuyên sâu về y tế công cộng, YTDP, được lựa chọn từ các đơn vị: Trường ĐH Y, ĐH Y tế công cộng, các viện thuộc hệ YTDP. Các giảng viên được tập huấn về kỹ năng giảng dạy và giám sát các học viên dịch tễ học thực địa trước khi tham gia giảng dạy. Đối với các khóa dài hạn, mỗi học viên có 2 cán bộ hướng dẫn. Các hướng dẫn viên này là người có bằng tiến sĩ trở lên, đã và đang công tác tại các đơn vị có ngành chuyên môn liên quan trực tiếp đến môn học mời giảng; đã làm công tác giảng dạy y tế công cộng và tham gia điều tra, giám sát dịch tễ học, tham gia phòng chống dịch tại thực địa từ 3 năm trở lên; có kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy về y tế công cộng, nắm được các phương pháp nghiên cứu dịch tễ học, trong đó có phương pháp mô tả và phương pháp phân tích. Đặc biệt ưu tiên những người đã tốt nghiệp FETP ở trong và ngoài nước.

YTDP bị “định kiến” là một ngành không hấp dẫn, vậy làm sao để thu hút các đối tượng tham gia đào tạo và yên tâm làm nghề, thưa ông?

Hiện nay, chương trình đang triển khai đồng thời hai loại hình đào tạo: Ngắn hạn (3 tháng, 3 tuần) và dài hạn 2 năm. Các chương trình đào tạo đều có sự kế tục và liên thông lẫn nhau.

Về lâu dài, để thu hút cán bộ tham gia chương trình, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp, phấn đấu các học viên hoàn thành khóa học 2 năm có thể đủ điều kiện nhận bằng thạc sỹ về YTDP.

Dự kiến đến năm 2015, chương trình sẽ nâng cao năng lực chuyên môn cho khoảng 1.000 học viên tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn và khoảng 50 cán bộ tham gia đào tạo dài hạn (trong khi nhu cầu đào tạo là hơn 6.000 cán bộ - PV).

Sau khi hoàn thành chương trình, các học viên hoàn thành chương trình dài hạn 2 năm đạt yêu cầu, có nhiều kiến thức thì có thể thành chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này, cũng như có nhiều cơ hội để trao đổi thông tin với các chuyên gia trong nước và quốc tế; đặc biệt có thể nghiên cứu, xử lý một vấn đề y tế mang tính chuyên nghiệp.

Riêng về việc làm sao để cán bộ YTDP yên tâm với nghề thì đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo ngành y tế. Ngành đang rất nỗ lực để ưu tiên hơn cho công tác YTDP, nâng cao đời sống, thay đổi chế độ ưu đãi nghề, để anh em có thể công tác trong một môi trường làm việc tốt hơn. Công tác YTDP cần liên tục giám sát, phát hiện sớm và loại trừ các yếu tố nguy cơ, không để dịch bùng phát, những việc này thường thầm lặng, tuy nhiên chưa được xã hội đánh giá và đầu tư cao.

Sau khi Đề án kết thúc, không còn nguồn tài trợ nước ngoài, có nguồn lực nào để triển khai tiếp các hoạt động đào tạo không?

Nguồn tài trợ cho những năm tới vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, việc tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ YTDP là một hoạt động quan trọng, luôn được ưu tiên; lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo là phải triển khai ngay chương trình này, chúng tôi sẽ tìm được biện pháp để có thể duy trì hiệu quả lâu dài của Đề án.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên