01:11 05/01/2011

5 năm thực hiện chương trình 135: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28%

Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 (CT 135) giai đoạn II trên địa bàn 50/63 tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8%.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 (CT 135) giai đoạn II trên địa bàn 50/63 tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8%.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm, trên 80,7% số xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản, 100% số xã có trạm y tế...

Đó là những kết quả lớn mà CT 135 mang lại, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Kết quả này đã được Ủy ban Dân tộc công bố tại Hội nghị tổng kết chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK vùng dân tộc và miền núi, tình hình thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2010 ngày 4/1.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo quốc gia nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện CT 135 giai đoạn II trên địa bàn 1.958 xã, 3.274 thôn, bản ĐBKK của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản ĐBKK vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

 Bộ máy quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn từng bước được hoàn thiện, đáp ứng công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK.

 Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình được tổ chức thường xuyên, liên tục và bám sát cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể và cộng đồng trong thực hiện chương trình được chú trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Ban Chỉ đạo thường trực giảm nghèo quốc gia Giàng Seo Phử nêu rõ: Trong giai đoạn 2006-2010, tuy chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, thiên tai xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng, song Chính phủ đã cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện chương trình với tổng kinh phí từ Trung ương là 14.025,25 tỷ đồng, trong đó định mức đầu tư các dự án thành phần được tăng theo hàng năm.

Cụ thể: Năm 2006 và năm 2007 tăng từ 860 triệu đồng/xã/năm lên 1.064 triệu đồng/xã/năm.

Năm 2010 tăng lên 1.364 triệu đồng/xã/năm. Ngân sách địa phương đã bố trí trên 635 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,5% tổng vốn). Điều đó cho thấy, sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của các bộ, ngành trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào tại các xã, thôn, bản ĐBKK.

 Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể; cộng đồng, người dân các xã, thôn, bản ĐBKK đã cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Theo báo cáo của các địa phương, bình quân mức đóng góp của người dân bằng ngày công lao động, hiến đất xây dựng công trình, vật liệu khai thác tại chỗ... chiếm từ 10-15% tổng mức đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn. Cá biệt có nơi cộng đồng đóng góp trên 50% giá trị công trình như công trình nhà sinh hoạt cộng đồng của Yên Bái.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương các cán bộ của Ủy ban Dân tộc đã góp phần công sức không nhỏ vào thành tích xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi, các xã ĐBKK.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam có 54 dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần, địa bàn sinh hoạt văn hóa của mỗi dân tộc tuy có nét riêng nhưng đều hợp thành nét chung của nước Việt. Các đại biểu cần có nhận thức sâu sắc về vấn đề đoàn kết dân tộc.

Phó Thủ tướng cho biết Nghị định về công tác dân tộc đã được Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Chính phủ ban hành. Đây là công cụ pháp lý để triển khai toàn diện công tác dân tộc.

Phó Thủ tướng đề nghị ngay sau khi Nghị định được ban hành, các bộ, ngành sớm có kế hoạch triển khai Nghị quyết; Ủy ban Dân tộc ban hành hướng dẫn thi hành để nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Nêu rõ trong 9 mục tiêu đề ra của Chương trình 135 mới có 5 mục tiêu hoàn thành, còn lại 4 mục tiêu chưa hoàn thành, Phó Thủ tướng lưu ý về những mục tiêu chưa đạt để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc cần tham mưu cho Chính phủ về chính sách dân tộc để có bước chuyển nhanh, vững chắc trong công tác giảm nghèo nói chung và công tác giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, qua đó tạo bước chuyển mới trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Nguyễn Viết Tôn