08:09 10/08/2017

5 năm cuộc sống ở Đông Đức của 'điệp viên' Putin

Trước khi trở thành người đàn ông quyền lực lãnh đạo nước Nga, điệp viên nổi tiếng của Cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) Vladimir Putin đã có 5 năm sống tại Dresden, Đông Đức.

Điệp viên KGB Vladimir Putin (giữa) hoạt động tại Đông Đức.

Mặc dù không thể khoe khoang về sự nghiệp khi còn là điệp viên, bao gồm cả những năm tháng tại Dresden (1985-1989) tại cơ sở KGB, cũng như những nhiệm vụ ông từng tham gia hay các điệp viên nước ngoài mà ông tiếp xúc chưa từng được hé lộ, song một số thông tin dưới đây có thể cung cấp cho độc giả cuộc sống của chàng điệp viên Putin trên nước Đức như thế nào.

Khi được cấp trên điều động làm nhiệm vụ tại Đông Đức, Putin lúc đó còn khá trẻ (33 tuổi). Vào khoảng thời gian đó, ông đã kết hôn với người vợ cũ – bà Lyudmila và hai người có với nhau đứa con gái đầu lòng, tên Maria. Con gái thứ hai Ekaterina được sinh tại Dresden vào năm 1986. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại Viện Tình báo nước ngoài ở Moskva, điệp viên Putin thông thạo tiếng Đức – đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là chờ đợi vài năm để được cử đến Tây Đức hoặc là có thể đến Đông Đức làm nhiệm vụ ngay lập tức.

Ông Putin đã lựa chọn phương án thứ hai. Trong cuốn sách tổng hợp các buổi phỏng vấn “Người đầu tiên”, Tổng thống Putin hồi tưởng lại các đặc vụ KGB quan tâm đến việc thu thập mọi thông tin liên quan đến NATO. Ông khiêm tốn miêu tả lại công việc “khá thú vị”, trong đó bao gồm lựa chọn người cung cấp tin tức, thu thập thông tin và chuyển mọi dữ liệu về Moskva.

Năm 2017, trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia Rossiya 24, Tổng thống Putin cho biết mọi công việc ông làm tại nước ngoài gần như liên quan đến tình báo phi pháp. Tuy ông là một điệp viên KGB chính thức, nhưng ông lại phụ trách liên lạc với những công dân bất hợp pháp và giúp họ giữ liên lạc với “đầu mối”.

Lên làm Tổng thống, Putin dường như vẫn không thể quên được những năm tháng làm nhiệm vụ tại Đông Đức cùng những người đồng nghiệp của mình. Năm 2017, đích thân ông đã đến thăm và chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 vị “sếp” cũ Lazar Moiseev của KGB.

Về cuộc sống thường nhật, trong một buổi phỏng vấn, vợ cũ của Tổng thống Putin – bà Lyudmila chia sẻ cả gia đình bà ấn tượng với sự sạch sẽ và ngăn nắp của người Đức. Bản thân Tổng thống Putin thừa nhận trong lúc ở Đức ông đã tăng liền 12 kg do uống bia Đức vào cuối ngày để thư giãn sau những căng thẳng với một điệp viên KGB.

Cũng theo lời bà Lyudmila, gia đình họ thường xuyên ăn tối cùng nhau, mời những người đồng nghiệp của ông Putin và người Đức, trong đó có một vài điệp viên thuộc cơ quan tình báo Cộng hòa liên bang Đức Stasi.

Cuộc sống của gia đình Putin ở Đông Đức không mấy khá giả. Thứ tài sản đáng giá họ dành dụm mua được là một chiếc xe ô tô – một thứ tài sản khá lớn tại các quốc gia chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ.

Bà Lyudmila cho biết các điệp viên Stasi kiếm được thu nhập khá hơn điệp viên KGB. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi với Stasi vào năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ và quá trình thống nhất nước Đức bắt đầu.

Tòa nhà trụ sở KGB tại Dresden.

Ngày 5/12/1989, mật vụ Putin nhìn thấy đám đông công dân tức giận đã tràn vào văn phòng Bộ an ninh, nằm cùng dãy phố với trụ sở KGB ở Đức. Nhanh chóng ông nhận ra trụ sở KGB rồi sẽ cũng bị chiếm đóng nên đã tìm cách liên lạc với văn phòng KGB ở Moskva. Tuy nhiên không ai trả lời nên ông đã tự quyết định hành động.

Siegfrid Dannat – một người tham gia đám đông giận dữ - hồi tưởng một sĩ quan người Nga đã rời khỏi tòa nhà và tiến tới các cánh cổng đang đóng kín. Ông nói lớn mọi người hãy tránh ra xa khỏi tòa nhà vì đây thuộc vùng lãnh thổ của Liên bang Xô viết và cảnh vệ vũ trang sẽ bắn bất kỳ ai xâm nhập. Ông Dannat cho biết vị sĩ quan đó rất lịch sự và nói tiếng Đức rất tốt. Những lời của người sĩ quan đó đã buộc đám đông bình tĩnh (không một ai muốn đổ máu) nên đám đông đã tự động rời khỏi trụ sở KGB.

Vị sĩ quan đó sau này được xác định là mật vụ Putin. Ông không có nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng của mình. Chỉ trong vài ngày, ông cùng đồng nghiệp đã tiêu hủy toàn bộ các giấy tờ liên quan đến hoạt động của KGB tại Đông Đức. Những tài liệu giá trị nhất thì được chuyển tới Moskva, còn mọi thứ khác đều bị thiêu rụi. Cũng ngay sau đó, ông cùng gia đình rời khỏi Dresden. Nhiệm vụ của điệp viên Putin đã kết thúc cùng với sứ mạng của KGB tại Đức.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức