11:09 25/11/2014

5 dự án vũ khí không gian bí mật của Liên Xô

Công nghệ quân sự trong không gian đã ra đời từ thời Đức Quốc xã, với việc sản xuất ra tên lửa đạn đạo V2, từng khiến Anh khiếp sợ trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Liên Xô và Mỹ đã kế thừa di sản này kể từ sau cuộc chiến.

Công nghệ quân sự trong không gian đã ra đời từ thời Đức Quốc xã, với việc sản xuất ra tên lửa đạn đạo V2, từng khiến Vương quốc Anh khiếp sợ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Liên Xô và Mỹ đã kế thừa di sản này kể từ sau cuộc chiến. Dưới đây là 5 dự án không gian quân sự bí mật hàng đầu của Liên Xô theo đánh giá của trang mạng Thời báo Moscow:

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7

Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên trên thế giới, được sử dụng ở Liên Xô từ năm 1959 -1968 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Dạng sửa đổi của tên lửa này đã đưa Sputnik-vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người vào không gian và trở thành nền tảng của động cơ tên lửa Soyuz và các phiên bản của tên lửa Molniya, Vostok và Voskhod.

Tên lửa R-7 của Liên Xô.


R-7 dài 34m, đường kính 3m và nặng 280 tấn, có tầm bắn 8.800km với độ sai số là 5m, có thể mang đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 3 megaton (quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 chỉ có lượng nổ từ 13-16 kiloton). R-7 được thiết kế, thử nghiệm và chế tạo dưới sự chỉ đạo của Tổng công trình sư người Ukraine Sergei Korolyov. 

Nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev từng hy vọng R-7 có thể giúp xóa bỏ ưu thế hạt nhân của Mỹ. Nhưng thiết kế của tên lửa này trở nên lỗi thời nếu sử dụng làm vũ khí do chi phí vận hành, kích thước và độ cơ động. Trong khi đó, với sự xuất hiện của các máy bay do thám như U-2 của Mỹ, các tổ hợp phóng tên lửa R-7 to lớn khó ngụy trang và có thể dễ dàng bị tấn công trong bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân nào.

Mặt khác, tên lửa này cần tới 20 giờ để chuẩn bị và khó duy trì tình trạng sẵn sàng phóng quá 1 ngày vì nhiên liệu lỏng phải ở tình trạng đông lạnh. Do đó, các lực lượng tên lửa của Liên Xô không thể ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu liên tục và có nguy cơ bị tiêu diệt ngay trước khi phóng bởi các máy bay ném bom của đối phương.

Mặc dù không thành công khi sử dụng làm vũ khí, nhưng tiến trình thử nghiệm R-7 đã giải quyết rất nhiều vấn đề khoa học cơ bản cho những cải tiến tương lai trong lĩnh vực vũ khí và vũ trụ. Hiện R-7 vẫn là loại tên lửa chính dùng để phóng và xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế cũng như cung cấp các nhu yếu phẩm và thiết bị hỗ trợ sự sống cho các phi hành gia trên trạm không gian.

Vệ tinh Kamikaze

Liên Xô đã tìm ra cách để tiêu diệt những “con mắt soi mói” của Mỹ trong không gian.


Khi các máy bay trinh sát trên không bị “vây quanh” với các vệ tinh gián điệp trong những năm 1960, Liên Xô đã tìm ra cách để tiêu diệt những “con mắt soi mói” của Mỹ trong không gian. Giải pháp là tương đối đơn giản: Gắn thuốc nổ vào khung của một vệ tinh và điều khiển nó tiếp cận đủ gần để có thể phá hủy các vệ tinh của đối phương bằng các mảnh nổ. Liên Xô đã thử nghiệm phương pháp này trên chính những vệ tinh của họ, nhưng không bao giờ triển khai chúng như là một vũ khí tấn công.

 MiG-105 Spiral

Đây là một chương trình của Liên Xô nhằm chế tạo một máy bay không gian cỡ nhỏ và được cho là câu trả lời đối với dự án tàu vũ trụ của Không quân Mỹ có tên gọi Dayna-Soar (chương trình phát triển một máy bay không gian có thể sử dụng cho nhiều nhiệm vụ quân sự khác nhau, bao gồm trinh sát, ném bom, cứu hộ không gian, bảo dưỡng vệ tinh và tiêu diệt vệ tinh của đối phương).

MiG-105 Spiral.


MiG-105 là loại máy bay có một chỗ ngồi, có thể được phóng vào không gian từ một chiếc tàu mẹ. Nó có một khoảng trống để chứa được một thiết bị cỡ nhỏ, chẳng hạn như một vệ tinh nhân tạo, trang bị trinh sát hoặc các loại vũ khí, đồng thời có thể quay trở về Trái đất và hạ cánh như một chiếc máy bay bình thường. Tuy nhiên, chiếc máy bay này chưa bao giờ bay vào không gian và cuối cùng nó bị hủy bỏ vào cuối những năm 1970.

Các trạm không gian Almaz


Cả Mỹ và Liên Xô có một thời điểm cùng chung ý tưởng đưa nhân viên quân sự lên các trạm không gian đặc biệt để theo dõi lẫn nhau.


Cả Mỹ và Liên Xô có một thời điểm cùng chung ý tưởng đưa nhân viên quân sự lên các trạm không gian đặc biệt để theo dõi lẫn nhau. Mỹ chưa từng phóng một trạm không gian quân sự nào lên vũ trụ, nhưng Liên Xô, nước đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế trạm không gian trong những năm 1970, đã phóng 3 trạm không gian do thám quân sự trong một chương trình có tên gọi Almaz. Tuy nhiên, Liên Xô chưa bao giờ thừa nhận điều này. 3 trạm không gian Almaz được cho là có trang bị các loại pháo không gian, được phóng dưới vỏ bọc nằm trong chương trình trạm không gian dân sự Salyut. Ý tưởng này cuối cùng đã bị hủy bỏ vì việc trinh sát bằng các vệ tinh có hiệu quả hơn.

Trạm chiến đấu Polyus


Mặc dù những chi tiết về con tàu vũ trụ Polyus vẫn còn mập mờ, nhưng có những báo cáo gần đây cho thấy Liên Xô đã từng theo đuổi việc phát triển một trạm chiến đấu (Battlestation) trong không gian để đối phó với sáng kiến phòng thủ tên lửa “cuộc chiến giữa các vì sao” của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan với việc sử dụng vũ khí tia laser để tiêu diệt những vệ tinh của đối phương. Theo một báo cáo trên tạp chí Air & Space, một nguyên mẫu đầu tiên về trạm không gian này đã được phóng vào năm 1987, nhưng đã thất bại khi bay vào quỹ đạo và rơi xuống trái đất.

Polyus Battlestation, nếu được phóng thành công, sẽ là một loại vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi và Liên Xô sẽ làm thất bại chương trình triển khai các hệ thống vũ khí laser trong không gian của Mỹ.


Công Thuận (Theo Thời báo Moscow)