Chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia

Ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg, công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt I) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật.

Đây là những bảo vật quốc gia lần đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, căn cứ theo những tiêu chí, quy định tại Luật Di sản văn hóa:

 

Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, chép tay tình hình chiến sự từ ngày 25/4 đến ngày 1/5/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh) - một trong 30 Bảo vật Quốc gia (đợt I) được công nhận.

 

Đài thờ Trà Kiệu: được phát hiện ở tháp chính kinh đô Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) vào năm 1918, là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa có niên đại từ thế kỷ VII – X. Đài được làm bằng sa thạch, cao 176 cm, gồm hai phần: phần trên là bộ Linga – Yoni, phần dưới gồm một thớt tròn và một khối hình vuông. Bốn mặt của Đài thờ khắc họa những cảnh trong trường ca Ramayana. Tuy nhiên cách trang trí những bầu vú liên tục chung quanh đài thờ gây ấn tượng về một phong cách chứa đựng nhiều yếu tố mang đậm nét riêng của người Chăm.

 
 

Tượng Bồ tát Tara: là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm. Tượng cao 1,14 m, niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, được phát hiện vào năm 1978 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tượng được khắc họa trong tư thế đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước với những đường nét chạm khắc tinh tế thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống Chămpa.

 
 

Đài thờ Mỹ Sơn E1.

 

Đài thờ Mỹ Sơn E1 được tìm thấy ở tháp E1 thuộc Khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam); có niên đại từ thế kỷ VII – VIII, được làm bằng sa thạch màu vàng nhạt và được lắp ghép từ nhiều khuôn hình, phản ánh đời sống của các tu sĩ Bàlamôn Giá trị của đài thờ là ở sự điêu khắc, chạm nổi trên khuôn hình. Nó đại diện cho phong cách mở đầu của điêu khắc Chămpa.

 
 

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng được tạc năm 1656. Tượng cao 3,7 m, ngang 2,1 m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 952 tay dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm. Đây được coi là một kiệt tác "độc nhất, vô nhị" về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.

 
 

Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn) gồm chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa Đông năm 1835 và khánh thành ngày 1/3/1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh có chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

 
 

Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn) gồm chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa Đông năm 1835 và khánh thành ngày 1/3/1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh có chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

 
 

Cây đèn đồng hình người quỳ: được tìm thấy năm 1935, trong một ngôi mộ cổ ở Lạch Trường (Thanh Hóa). Đèn cao 40 cm, dài 30 cm, rộng 27 cm, nặng 1,9 kg, là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào cuối thời kỳ văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài giỏi, khéo léo và phản ánh cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này.

 
 

Pháo phòng không 37mm do Liên Xô sản xuất, trang bị cho Khẩu đội 3, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, được Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để bảo vệ. Khẩu pháo này cùng với Đại đội 827 bắn hạ 3 máy bay Pháp tại Điện Biên Phủ.

 
 

Máy bay Mig 21 F96, số hiệu 5121, máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

 
 

Xe tăng T59, số hiệu 390, tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

 
 

Xe tăng T54B, số hiệu 843, tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

 
 

Thạp đồng Đào Thịnh, một trong những đồ đựng của cư dân Đông Sơn, còn được dùng trong nghi lễ tôn giáo, mai táng, là di vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn. Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện vào năm 1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái).

 
 

Trống đồng Ngọc Lũ: đường kính mặt 79,3 cm, đường kính chân 80 cm, cao 63 cm, niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm. Trống có kích thước lớn, gồm các phần: mặt, tang, thân và chân trống. Giữa mặt trống đúc nổi ngôi sao 14 cánh, từ tâm ra có 16 vành hoa văn; tang trống phình trang trí hoa văn hình thuyền, người, chim; thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi. Đây là loại trống to nhất, có hoa văn phong phú và điển hình nhất trong hệ thống trống đồng Việt Nam, là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn.

 
 

Trống đồng Hoàng Hạ: được phát hiện tháng 3/1937 tại thôn Nội, xã Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Trống có đường kính mặt 79 cm, cao 61,5 cm; tâm trống là hình mặt trời 16 tia với a vành hoa văn hiện thực; tang trống có 6 hình thuyền với hình người hóa trang ngồi trên thuyền; lưng trống trang trí các khung hoa văn hình người múa; chân trống không có hoa văn. Trống có đôi quai kép trang trí vặn thừng tết giữa tang và lưng trống. Đây là chiếc trống được xếp vào nhóm trống lớn nhất trong trống Đông Sơn, tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn.

 
 

Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn: là bức tượng đồng thời văn hóa Đông Sơn. Tượng miêu tả hai người đầu chít khăn, y phục giản đơn; khuyên tai nổi rõ; mắt và miệng được diễn tả đến từng chi tiết nhỏ. Người cõng dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo tiếng khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng. Người được cõng ngồi vững chãi trên lưng đang say sưa thổi khèn. Cả nhạc công và vũ công như hòa nhập thành một thực thể thống nhất ăn ý, hài hòa. Bức tượng này được đánh giá là sinh động nhất trong những khối tượng đã được phát hiện từ xưa đến nay.

 
 

Trống đồng Cảnh Thịnh: được đúc bằng phương pháp khuôn sáp mô phỏng theo kiểu trống bịt da hiện đại, là di vật quý hiếm của triều đại Quang Trung (thời đại Tây Sơn 1789-1802), được đúc vào tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời Nguyễn Quang Toản (1800). Thân và chân trống liền nhau trang trí nhiều loại hoa văn. Hoa văn trên thân trống chia thành 3 đoạn. Mặt và tang trống liền nhau ở giữa có 2 vòng tròn, xung quanh là mặt phẳng, không có hoa văn trang trí. Trống còn có giá trị đặc biệt ở phần tư liệu, với một bài minh dài 272 chữ được khắc trên thân trống.

 
 

Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (Thời Lê sơ): Kiệt tác bình gốm hoa lam vẽ thiên nga tìm thấy trên con tàu đắm ở Cù Lao Chàm được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao. Bình có kiểu dáng lạ, những hình ảnh trang trí mang yếu tố thuần Việt. Men trên bình gốm là loại men Lam Hồi, có màu xanh mực Cửu Long, được nghệ nhân sử dụng phổ biến cho lối vẽ công bút.

 
 

Cuốn “Đường Kách mệnh”, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: xuất bản năm 1927, gồm 70 trang in. Với lối viết mộc mạc, cuốn sách của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ( tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó ) giới thiệu tổng quan về khái niệm cách mạng; lịch sử cách mạng Mỹ, Pháp, Nga và có ảnh hưởng thế nào tới cách mạng Việt Nam; Quốc tế cộng sản hình thành và phát triển như thế nào; các tổ chức cách mạng trên thế giới; Phụ nữ quốc tế; công nhân quốc tế; Cộng sản thanh niên quốc tế, Quốc tế giúp đỡ, Quốc tế cứu đỏ; cách tổ chức công hội; tổ chức dân cày; Hợp tác xã.

 
 

Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (Bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh) do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn ngày 19/12/1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội). Bản thảo được viết trên hai trang giấy một mặt, kích thước 13,5 cm x 20,5 cm.

 
 

Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (Thời Trần): Được coi là ấn đồng cổ có niên đại rõ ràng nhất. Ấn bằng đồng, núm được làm theo hình bia đá, cao 8 cm. Phần đế ấn là 7,3 cm, núm cầm trên rộng 3,7 cm và dày 1,2 cm. Mặt dấu hình vuông khắc 4 chữ Triện. Ấn được đúc năm Long khánh thứ 5 đời Trần Duệ Tông (1377) và được dùng đóng trên những văn bản hành chính quan trọng từ thời Trần Phế Đế về sau.





Chùm ảnh: Tiến Dũng, Minh Đức, Trần Lê Lâm, Phạm Kiên
5 di thư của Bác Hồ trở thành bảo vật quốc gia
5 di thư của Bác Hồ trở thành bảo vật quốc gia

Thủ tướng vừa ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho 30 hiện vật. Theo đó, cuốn "Đường Kách mệnh", tác phẩm "Ngục trung nhật ký”, bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", bản thảo "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước", bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bảo vật quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN