Khoảng 9 giờ 45 phút ngày 10/6, tại bản Chiềng An,
xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), hàng trăm m3 đất, đá và cây rừng
từ độ cao hàng chục mét đã bất ngờ đổ ập xuống. Vụ sạt lở đã khiến hàng trăm hộ
dân quanh khu vực này bất ngờ và bàng hoàng.
Sạt lở là nỗi lo thường trực của người dân miền núi. Nguồn: www.phuot.vn |
Tại hiện trường, đất
đá và cây rừng nằm ngổn ngang, choán hết diện tích trồng trọt, khu chăn nuôi của
gia đình anh Quàng Văn Bình. Rất may vụ sạt lở đổ xuống khu đất trống, liền kề
giữa nhà anh Bình và hàng xóm nên không thiệt hại về người.
Tuy nhiên, nhiều
gia cầm và toàn bộ khu chăn nuôi của gia đình anh Bình bị đất đá vùi lấp, hư hỏng
nặng. Theo quan sát của phóng viên, ở độ cao hơn 10m tại chỏm núi cạnh khu vực
xảy ra sạt lở, nhiều vết nứt dài từ trên xuống cũng đã xuất hiện, báo hiệu những
ẩn họa khôn lường.
Bác Đỗ Thị Thảo,
người dân sống ở bản Chiềng An cho biết: “Tôi đang trông cháu trong nhà thì bất
ngờ nghe thấy tiếng ầm ầm vang lên, đất dưới chân như rung chuyển. Tôi cứ tưởng
có vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, hay có động đất nên cuống cuồng bế
cháu nhỏ chạy ra khỏi nhà...”.
Anh Quàng Văn Thắng,
cũng sống ở bản Chiềng An kể lại: “Tôi đang bán hàng tạp hoá, thực phẩm cho
khách thì bất ngờ nghe thấy tiếng ầm ầm sau lưng. Tôi nhìn lại thì ở phía bên
kia đường, ở độ cao hơn 10m là cảnh hàng trăm m3 đất, đá và cây rừng trên núi
đang đổ ập xuống phía sau nhà anh Bình và ông Phén”.
Anh Quàng Văn Bình,
người bị thiệt hại nặng nhất cho biết: Khi được hàng xóm thông báo qua điện thoại,
núi sạt lở xuống cạnh nhà thì vợ chồng tôi đang đi công tác xa. Rất may, trước
khi đi, vợ chồng tôi đã đem 2 con gửi người thân, nếu không thì khó tránh khỏi
chuyện buồn xảy ra. Vì chỗ đó, 2 cháu thường hay ra chơi.
Cũng theo anh Bình và
nhiều người dân ở bản Chiềng An, cách đây hơn 1 tháng, hiện tượng núi bất ngờ sạt
lở, đổ ập xuống cũng đã xảy ra trên vách núi này. Trong vụ sạt lở đó, hàng chục
m3 đất, đá đã đổ xuống, chảy tràn đầy gầm cầu thang nhà ông Phén, đẩy căn nhà lệch
trụ cột gần 20cm.
Được biết, nhận thức
được mối nguy hại luôn cận kề từ nguy cơ sạt lở núi bất cứ lúc nào, các hộ dân
sống dưới chân núi ở bản Chiềng An đã nhiều lần xin chính quyền, đơn vị quản lý
rừng cho san bạt núi theo dạng bậc thang để giảm nguy cơ sạt lở đất, đá nhưng
không được sự các cơ quan chức năng của địa phương chấp thuật.
Việc chuyển đi
nơi khác để sinh sống đối với các hộ dân nơi đây cũng không thể, vì không có tiền
mua đất.
Đến hơn 15 giờ
cùng ngày, hiện trường vụ sạt lở trên vẫn nguyên trạng.
Xuân Tiến