07:08 21/07/2011

3G đã được triển khai thành công

Tại Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai công nghệ 3G của các doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 20/7, đại diện Bộ TT-TT đã đánh giá cao việc thực thi nghiêm túc việc cung cấp dịch vụ 3G của các doanh nghiệp viễn thông.

Tại Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai công nghệ 3G của các doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 20/7, đại diện Bộ TT-TT đã đánh giá cao việc thực thi nghiêm túc việc cung cấp dịch vụ 3G của các doanh nghiệp viễn thông.

Đạt 8 triệu thuê bao 3G

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết: Sau 18 tháng triển khai, đến nay mạng 3G của các doanh nghiệp (DN) đã phủ sóng rộng trên toàn quốc, đáp ứng khả năng truy nhập Internet của người dân. Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã phát triển được 8 triệu thuê bao 3G, đưa dịch vụ này đến với vùng sâu, vùng xa, xóa khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của Viettel. Ảnh: Minh Tú- TTXVN


Theo ông Hoàng Trung Hải- Phó Giám đốc VinaPhone, sau khi nhận giấy phép 3G của Bộ TT-TT, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên khai trương dịch vụ 3G và lắp đặt phát sóng được 3.114 trạm node B, phủ sóng được 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc- vượt chỉ tiêu cam kết với Bộ TT-TT.

Đại diện VinaPhone cho rằng: Với tổng số vốn đầu tư của nhà mạng lên tới hơn 5.000 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn vay), VinaPhone hiện có khoảng 3,7 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng 3G.

Phía MobiFone cũng cho hay: Cuối năm nay, MobiFone dự kiến có 8.500 trạm thu phát sóng trên toàn quốc (tăng so với cam kết với Bộ TT-TT là 7.600 trạm). 3G đã giúp đơn vị này phát triển thương hiệu, doanh thu dịch vụ dữ liệu tăng mạnh, tỷ trọng tải tăng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai 3G, không chỉ MobiFone mà EVN Telcom cũng đang phải đối mặt với khó khăn. “Khi lắp đặt thêm thiết bị 3G, nhà dân cho thuê chỗ lắp đặt thường đòi tăng giá thuê mặc dù nhà mạng chỉ lắp đặt thiết bị nhỏ hơn hoặc giảm số lượng ăngten trên cột. Thời gian tới, mức tăng mật độ trạm 3G lắp đặt dày đặc hơn mà khó khăn không được Bộ TT-TT tháo gỡ, DN sẽ gặp khó khăn”, đại diện MobiFone chia sẻ.

Theo đánh giá của Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT), trong giai đoạn đầu triển khai mạng 3G, người sử dụng phản hồi về chất lượng dịch vụ còn chưa tốt, hay bị rớt mạng, ngắt quãng kết nối… Đến nay, chất lượng dịch vụ 3G đã tốt hơn tuy nhiên vẫn chưa đồng đều ở các khu vực và giữa các DN. Các dịch vụ nội dung chưa được tích hợp phong phú và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, các DN sẽ tiếp tục tập trung chất lượng dịch vụ để đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng doanh thu của DN.

Xin rút tiền đặt cọc để tăng đầu tư phát triển

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cho biết hiện đã có 30.334 trạm BTS 3G trên toàn quốc, thậm chí một số DN đã triển khai vượt mức cam kết tại thời điểm 3 năm sau khi cấp phép. Theo đó, mới chỉ sau 18 tháng, tỷ lệ vùng phủ sóng 3G theo dân số đã tăng từ 54,71% lên 93,68%. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình mỗi tháng đối với các dịch vụ dữ liệu (data) từ 5,4% đến 34,32% (tùy từng doanh nghiệp). Chính vì thế, các nhà mạng tham dự Hội nghị đều mong muốn Bộ TT-TT cho giải ngân số tiền đặt cọc thi tuyển 3G.

Theo ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, đến tháng 12/2011, nhà mạng này sẽ đầu tư số trạm BTS vượt cam kết 3 năm với Bộ TT-TT. Vì thế, MobiFone đề nghị Bộ xem xét để hỗ trợ doanh nghiệp giải ngân số tiền vốn đặt cọc còn lại. "Đây là nguồn vốn rất tốt để các DN phát triển trong thời buổi khó khăn hiện nay", ông Nguyên nhấn mạnh. Còn theo bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc của Hanoi Telecom, đối với các DN mới chỉ thực hiện được khoảng 70- 80% theo như cam kết 3 năm thì Bộ TT-TT cũng nên nghiên cứu cho các DN rút được 70- 80% tiền đặt cọc.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã đề nghị Vụ Kế hoạch Tài chính đẩy nhanh tốc độ và có cơ chế giải ngân bám sát DN hơn để tạo điều kiện về vốn phát triển cho DN.

Theo cam kết của các hồ sơ trúng tuyển 3G, trong 3 năm kể từ khi cấp phép, MobiFone, VinaPhone, Viettel, liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom phải đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng cho mạng lưới 3G với khoảng 30.000 trạm phát sóng 3G và đặt cọc 8.100 tỷ đồng. Số tiền này, được gửi vào một trong hai ngân hàng lớn nhất quốc gia là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), được hưởng lãi suất như tiền gửi ngân hàng.

Cuối tháng 12/2010, Viettel, MobiFone và VinaPhone đã xin được rút 50% tiền đặt cọc, tương đương với 3.750 tỷ đồng sau khi được Bộ TT-TT xác nhận đã hoàn tất các cam kết đầu tư cho 3G.

Minh Phương