Những lá thư nhà bằng ảnh gửi Trường Sa

Hướng tới quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những vùng biển đảo thiêng liêng tươi đẹp của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp triển khai thực hiện dự án "Trường Sa - Việt Nam, có một nơi đẹp và thiêng liêng như thế!" với những hoạt động chụp ảnh, ghi hình, triển lãm ảnh... nhằm mang những tình cảm thân thương của hậu phương cả nước đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa, đồng thời chuyển tải những hình ảnh của Trường Sa tới với đất liền.

 

 

Triển lãm ảnh tại Trường Sa mang tên "Những lá thư nhà gửi Trường Sa", một trong hai hoạt động trọng tâm của dự án, sẽ khai mạc hôm nay, ngày 18/5/2012, tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên được tổ chức tại Trường Sa. Sau đảo Song Tử Tây, triển lãm tiếp tục được trưng bày tại đảo Trường Sa Lớn, nhà dàn DK1. Kết thúc đợt triển lãm, bộ ảnh sẽ được tặng lại cho quân và dân Trường Sa.


Trong vai trò của những người đưa thư, nhóm phóng viên thực hiện chương trình đã đi qua 5 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2012, đến với 10 gia đình để ghi lại những "lá thư" nhà gửi Trường Sa bằng hình ảnh, nhằm chuyển tới các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa và nhà dàn DK.

Hơn 100 bức ảnh chọn trong hàng ngàn bức ảnh chụp về hậu phương của người lính, được trình bày trên 8 pano ảnh màu khổ 1,4 x 1,9 mét và trưng bày tại triển lãm là những hình ảnh sống động nhất, thân thương nhất, chân thực nhất về gia đình của những người chiến sĩ Trường Sa. Đặc biệt trong đó có phần ảnh 360 độ do nhiếp ảnh gia Bùi Hồng Thắng thực hiện, sẽ giúp các chiến sĩ thấy hình ảnh quê nhà thật gần gũi, sinh động như chính mình đang được đứng trong không gian đó. Các gia đình đều mong muốn những hình ảnh này sớm tới Trường Sa, góp phần động viên tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gìn giữ phần biển đảo máu thịt của Tổ quốc.


Chủ đề của triển lãm “Những lá thư nhà gửi Trường Sa” xuất phát từ tứ thơ về tâm tình của người chiến sĩ với hậu phương quê nhà:


“Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình,


Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học,


Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc,


Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều.


Mẹ già ơi, thương nhớ dẫu dâng trào,


Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã.


Lối con đi - nào lối mòn thuở nhỏ.


Và mẹ là Mẹ lính - dễ dàng đâu”.


Khổ thơ trích trong bài “Những người lính đi qua thành phố” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là lời dẫn xuyên suốt các cuộc triển lãm ảnh về hậu phương các chiến sĩ ở Trường Sa.


Triển lãm gồm 7 nội dung: Gia đình, vợ con, con thơ, vợ yêu, cha mẹ già, hậu phương, quê hương. Ở mỗi nội dung cụ thể có những câu thơ minh họa rất lắng đọng. Mỗi bức ảnh đều mang những nét chung gần gũi, thân thuộc về gia đình, người thân, làng quê, đường phố... điều luôn luôn thường trực trong tâm khảm của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc.


Không chỉ chuyển thư từ "hậu phương" ra với Trường Sa, trong hành trình mang "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" ra với quân và dân Trường Sa, nhóm phóng viên của TTXVN cũng sẽ thực hiện những lá thư từ Trường Sa bằng ảnh. Những "lá thư" này sẽ góp mặt cùng những bức ảnh nổi bật nhất trong kho ảnh Trường Sa lâu nay của TTXVN, trong cuộc triển lãm về Trường Sa trên đất liền, do TTXVN tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 tới tại Hải Phòng và một số địa phương trong cả nước. Đây cũng chính là nội dung thứ hai của dự án "Trường Sa - Việt Nam, có một nơi đẹp và thiêng liêng như thế!".

Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày gần 80 bức ảnh về đất nước - con người Việt Nam, trong đó có gần 50 bức ảnh cổ về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán xưa... được lựa chọn trong bộ sưu tập 7.000 bức ảnh cổ Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với tên gọi “Báu vật ký ức” do kiến trúc sư Đoàn Bắc sưu tầm, và 30 bức ảnh mới nhất về những danh lam thắng cảnh, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nhịp độ sôi động của đời sống kinh tế xã hội, những thành tựu đổi mới của đất nước...


Triển lãm ảnh “Những lá thư nhà gửi Trường Sa” sẽ không chỉ là tình cảm thương yêu gắn kết Trường Sa với Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam mà còn là lời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bằng những hoạt động văn hóa, với mong muốn cùng nhân lên tình yêu quê hương đất nước một cách thiết thực nhất từ tình cảm của những người thân yêu, với những mái nhà, ngõ xóm, ruộng lúa, bờ tre, góc phố... mà người lính đã nguyện hy sinh để bảo vệ, giữ gìn.


Hồng Kỳ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN