Theo văn bản số 1072/QĐ- UBND của UBND tỉnh Phú Thọ, dự án sẽ được xây dựng tại điểm đầu của đường trục hành lễ (tiếp giáp với Quốc lộ 32C) - Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. "Việc có một cổng chính tại quốc lộ 32C là cần thiết, bởi hiện tại sau khi quy hoạch lại, thì cổng trước đây của Đền Hùng ở chân núi Nghĩa Lĩnh đã nằm sâu vào phía trong, và chỉ là cổng vào của khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng mà thôi. Và việc xây dựng cổng chính này cũng phù hợp với quy hoạch chung của Khu di tích lịch sử Đền Hùng"- một KTS cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là bản "Thiết kế kỹ thuật thi công hạng mục: Cổng chính vào khu di tích lịch sử đền Hùng" do Công ty TNNT tư vấn và xây dựng T.A.T thực hiện. Theo đó, cổng chính nằm thẳng trên trục hành lễ giao với quốc lộ 32C, sau quảng trường hình bán nguyệt khoảng 120 m. Theo thuyết minh của bản thiết kế trên, cổng chính "có chức năng là công trình kiến trúc xác định ranh giới nhận biết giữa không gian bên trong khu di tích và bên ngoài, là cửa ra vào cho hoạt động cũng là nơi gắn kết giữa không gian bên trong và bên ngoài khu di tích.
Ngoài ra là một công trình kiến trúc có vị trí đặc biệt là bộ mặt của cả khu, do đó ngoài chức năng trên, cổng còn là một công trình kiến trúc đẹp, là điểm nhấn quan trọng mang đậm phong cách và ý nghĩa đặc trưng của cả khu, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc khác, tạo cho du khách thập phương khi đến đây một cảm giác linh thiêng mà ấm áp và gần gũi, về với Đền Hùng là về với cội nguồn". Cũng theo bản thiết kế này thì "dựa trên hình thức kiến trúc dân gian truyền thống, cổng chính vào khu di tích lịch sử Đền Hùng mang lối kiến trúc cổng tam quan, mái dốc được thiết kế có quy mô bề thế (dài 66 m, rộng 13,8 m, cao 25,5 m)...”.
"Tuy nhiên, theo đánh giá của một số kiến trúc sư, bản thiết kế này hoàn toàn không phù hợp với kiến trúc chung của cả Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cũng không hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc khác. Trên thực tế, do đền Hạ, đền Trung, đền Thượng đều khá nhỏ, gọn (dài khoảng 10 - 12 m, rộng khoảng từ 4 - 6 m) nên các công trình thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều được thiết kế theo hướng nhỏ, gọn, phù hợp với cảnh quan chung.
Đặc biệt, các công trình đều cố gắng theo hướng kiến trúc đơn sơ và gợi nhớ về văn hóa Văn Lang bằng cách khai thác những hoa văn và biểu tượng của trống đồng Đông Sơn. Thế nhưng, với thiết kế cổng chính này, công trình sẽ rất nặng nề, quá đồ sộ và không có dáng dấp của văn hóa Văn Lang, thậm chí còn không có dáng dấp của văn hóa Việt Nam, mà giống như một cổng thành của... Trung Hoa nhiều hơn.
Đây cũng là đánh giá chung của những người có điều kiện tiếp xúc với bản thiết kế cổng chính của Khu di tích. Do thiết kế theo kiểu tam quan, gồm các tòa liên kết với nhau (tòa chính ở giữa, hai tòa phụ hai bên), cùng 6 trụ biểu và tường đá kết nối các tòa và trụ biểu, cộng với "phần chân đế to" và "hệ mái dốc lợp ngói đỏ đầu đao cong lên nền trời"... công trình tạo một cảm giác rất nặng nề, cứng nhắc, thiếu sự hài hòa với không gian được thiết kế theo hướng công viên xanh của toàn khu di tích.
Chưa kể việc cổng chính rất giống với cổng thành mang chức năng phòng thủ, bảo vệ, với những tòa tháp trên cao, rất không phù hợp với thiết kế cổng vốn chỉ có cổng mà không có tường thành của công trình này. "Nếu đã là cổng vào một khu di tích lịch sử, mang ý nghĩa tâm linh... thì kiến trúc nên thanh thoát, tốt nhất là nên dùng những trụ biểu, chứ không nên tạo cảm giác nặng nề, đồ sộ của cổng thành như vậy, cũng không nên có những tòa tháp giống như "tháp canh". Thiết kế này có lẽ chỉ phù hợp với thiết kế cổng thành"- một KTS cho biết. "Đó là chưa nói tới việc kiến trúc này hoàn toàn không có bóng dáng của văn hóa Văn Lang là nét chủ đạo của khu di tích lịch sử Đền Hùng. Nếu có "chút gì đó" của văn hóa Việt Nam thì cũng là mang nét kiến trúc của thời Nguyễn. Nhưng rõ nét và "gây ấn tượng" quá mạnh lại là sự giống tới gần như "đúc khuôn" với những cổng thành của Trung Hoa xưa".
Không chỉ "chưa ổn" về kiến trúc, sự đồ sộ của công trình cũng hoàn toàn không phù hợp với quy hoạch chung của khu di tích. Theo văn bản số 1010/ QĐ- UBND ban hành "Quy định về quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng "thì các công trình đều có tầng cao 1 - 2 tầng", quy định cũng rất chi tiết và tỉ mỉ từng công trình về chiều cao, quy mô, để đảm bảo không quá đồ sộ, quá lớn như "các công trình xây dựng thấp", "giữ nguyên hiện trạng kiến trúc cũ", " hài hòa với kiến trúc toàn khu". Thế nhưng, như bản thiết kế đưa ra, thì cổng chính sẽ dài 66 m, rộng 13,8 m, và đặc biệt là cao tới 25,5 m. Với kích thước như vậy, có thể nói công trình đã tự đặt mình ra ngoài quy định của UBND tỉnh Phú Thọ.
"Và còn một điều đáng nói là với vật liệu xây dựng là đá xanh xây cổng và lát nền, không chỉ khiến công trình thêm phần nặng nề, thiếu tính thẩm mĩ, mà còn khiến kinh phí "được" đội lên với một con số khổng lồ: Hơn 61 tỉ đồng, như bản phê duyệt của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 31/3/2011. Xét về yếu tố kiến trúc, tính thẩm mỹ, kinh phí đầu tư... đều không nên triển khai xây dựng cổng chính theo thiết kế này!"- một KTS cho biết.
Ngoài những hạn chế nêu trên, còn rất nhiều bất cập trong các chi tiết của thiết kế, cũng như sự “mù mờ” về chức năng các kiến trúc bộ phận của công trình cổng chính này, mà chúng tôi sẽ đề cập trong những bài báo tới. Thiết nghĩ, với một công trình còn có ý kiến trái chiều như vậy, các cơ quan chức năng cũng nên "rộng đường dư luận" bằng một cuộc " trưng cầu dân ý" hoặc tìm "tiếng nói chung sức" của các KTS, để công trình cổng chính - ấn tượng đầu tiên, cũng có thể coi là bộ mặt của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, sẽ thật sự xứng tầm và đúng với ý nghĩa của nó.
P.V