Cùng với Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Văn Miếu Huế là biểu tượng độc đáo của nền giáo dục nước ta dưới chế độ phong kiến. Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ, nhằm tôn trọng việc học hành, đỗ đạt, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trải qua thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá, Văn Miếu Huế nay chỉ còn lại là những tấm bia đá. Phần lớn các công trình đều đã bị xóa sổ, trong đó có điện chính là Đại Thành điện, nơi thờ Khổng Tử đã đổ nát hoàn toàn chỉ còn lại nền móng. Hệ thống các cổng chính như Văn Miếu môn, Quan Đức môn và Đại Thành môn cũng đều hư hỏng...
Văn Miếu Huế được xây dựng năm 1808, dưới triều vua Gia Long (nằm ở Long Hồ, xã Hương Long, thành phố Huế hiện nay). Văn Miếu quay mặt về hướng Nam, trước mặt là sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi.
Các công trình của Văn Miếu được xây dựng trong mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh chừng 160 m, xung quanh có la thành bao bọc. Tất cả có 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sỹ khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới (năm 1993), Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn di tích Văn Miếu Huế, trong đó đáng kể nhất là việc bảo quản nguyên vẹn và dựng lại ngay ngắn hệ thống bia, làm nhà che chắn bia. Mới đây, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo công trình Linh Tinh Môn - Văn Miếu Huế, với tổng kinh phí đầu tư 1,784 tỷ đồng, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ quốc tế của Ba Lan trong năm 2011. Trước đó, Linh Tinh Môn chỉ còn là các hàng cột đổ nát, trơ lại các trụ thép han rỉ.
Văn Miếu Huế hiện nay phần nào thu hẹp nét hoang tàn, đổ nát so với trước. Song, những điều làm được cho Văn Miếu Huế vẫn còn quá ít cho một di tích mang nét văn hóa hết sức độc đáo, tôn vinh nền giáo dục và học thuật của đất nước, tạo nên sự nuối tiếc cho du khách khi đến thăm di tích Văn Miếu Huế. Thiết nghĩ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm BTDT Cố đô Huế cần có sự đầu tư lớn hơn trong việc trùng tu Văn Miếu Huế...
Quốc Việt