Ít ỏi “truyền nhân”

Ngày càng ít những người theo học nhạc cổ truyền, và do đó càng ít người có thể lĩnh hội trọn những tinh hoa do các nghệ nhân truyền lại.

“Ai đến xin học cũng thế, tôi hỏi học để làm gì. Phần lớn họ chỉ muốn học vài bài để đi biểu diễn kiếm tiền. Tôi nói, thế thì không dạy”, cụ Kim Đức- người có giọng hát trong như hạc bay và tiếng phách Trạng nguyên nói.

Phải rất lâu sau cụ Kim Đức mới tìm được học trò. Đó là hai mẹ con chị Bạch Dương- con cháu một đồng nghiệp của cụ hồi còn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị đưa con đến học, rồi cụ xuống tận nhà dạy. Cứ thế, những buổi học dày lên mãi. Nhưng cụ Đức không phải lúc nào cũng hài lòng. “Nhiều khi tôi cũng buồn vì cô bé Thảo học còn chểnh mảng, mải chơi. Nếu chuyên tâm thì sẽ tiến xa hơn. Có điều, với bọn trẻ bây giờ rất khó, chúng có quá nhiều thứ làm phân tán tư tưởng”.

Ca trù đã có những đào nương “nhí” Ảnh: Lê Phú


Chuyện truyền nghề của các nghệ nhân khó khăn như thế, bởi ai cũng chỉ muốn học “ngắn hạn” mà thôi. Chính vì thế, số người tham gia các khoá học do nghệ nhân hướng dẫn ở các học viện âm nhạc thì nhiều, mà học trò học sâu, học cao thì ít. Thông thường, những lớp học sâu và cao như thế thường chỉ có khi có các dự án tài trợ. Nhưng khi dự án hết tiền thì việc truyền dạy cũng tạm ngừng hoặc cầm chừng. Chính vì thế, việc truyền dạy nhạc cổ truyền gần như chỉ dừng lại ở cấp độ phổ cập, phong trào.

“Chính vì thế, các cụ vẫn chưa thực sự truyền nghề được cho ai. Bởi chỉ khi dạy tận tay, tận mặt mới có thể có học trò chân truyền. Những giảng dạy qua băng đĩa không thể chuyển tải được sự biến đổi linh hoạt và ngón nghề của cổ nhạc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đánh giá.

Về điều này, PGS.TS Vũ Nhật Thăng cho biết, hình thức truyền nghề cổ nhạc trong gia đình có vai trò quan trọng bậc nhất. Theo ông, “chính nhờ cách truyền nghề này mà cổ nhạc vẫn tồn tại tới ngày nay và còn giữ được các giá trị truyền thống”. Thậm chí, ý tưởng về một “Học viện Ca trù” chuyên đào tạo chuyên sâu cho những người yêu cổ nhạc cũng được nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan ủng hộ. Tuy nhiên, học viện đó vẫn còn ở dạng ý tưởng.

Và khi nhìn các nghệ nhân cổ nhạc ngày một già, có thể ra đi bất cứ lúc nào, chúng ta càng trở nên lo lắng bởi vốn liếng tinh hoa truyền thống có thể theo các cụ sang thế giới bên kia mà không để lại chút gì.

Cầm Trang - Thu Trang
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN