Chân tháp đối diện với cột đá chùa Dạm đã phát lộ khi TS Lê Đình Phụng cùng đồng nghiệp phát quang và khai quật một mô đất lớn. Ngoài việc khẳng định quy mô lớn của chùa Dạm, tháp còn làm sáng tỏ nhiều nghi án về cây cột đá ở đối diện.
Cột đá chùa Dạm là một di sản quý. Cột đá này thậm chí đã được chọn làm biểu tượng của mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều năm nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận cuối cùng về chức năng của chiếc cột đá này. Tại chùa Dạm, trước khi khai quật, cột đá nằm đối diện với một gò đất. Trên gò đất này có một bia đá đặt trên lưng rùa.
Khi tới thám sát chùa Dạm, các nhà khảo cổ đã cho phát quang toàn gò đất trên, đào xuống thì thấy đây là một chân tháp đá. “Những dấu tích về kiến trúc còn khá nguyên vẹn, nếu không muốn nói là nguyên vẹn nhất trong số những tháp đá thời Lý còn lại. Khi phát quang và khai quật, toàn bộ hệ thống trang trí chân tháp còn nguyên vẹn”, TS Lê Đình Phụng cho biết.
Các họa tiết trang trí của chân tháp là các hoa văn sóng nước đặc trưng thời Lý. Kỹ thuật đổ chì để ghép các thành phần kiến trúc của tháp với nhau cũng giống hệt các kiến trúc khác thời Lý. Điều này cũng phù hợp với tư liệu lịch sử. Theo đó, khi xây dựng chùa Dạm các vua Lý cho xây dựng một tháp đá với thời gian 5 năm 6 tháng mới xong.
Theo đo đạc, tháp hiện có bình đồ vuông mỗi cạnh 8,4 mét. Nếu áp dụng tỷ lệ vàng giữa bình đồ và chiều cao của tháp mà nhà nghiên cứu Pháp Bezacier đã rút ra từ các tháp thời Lý như Tường Long, Phật Tích, Đọi Sơn… thì tháp sẽ phải có chiều cao từ 25-30 mét.
Tháp và cột đá cùng thờ Phật
Như vậy, cả tháp và cột đá chùa Dạm cùng chưa hề có sự xê dịch từ khi ra đời cho đến nay. Theo những tư liệu mà ông Phụng tìm thấy, chiếc tháp vừa tìm thấy được dựng để thờ Phật. Điều này cũng rất phù hợp với hình tượng rồng đựơc khắc trên cột đá chùa Dạm ở đối diện. Hai con rồng có hướng quay về tháp. Nhiều khả năng hai con rồng này đang quay về chầu tượng Phật đựng trong lòng tháp.
Giả thuyết này của TS Phụng càng trở nên hợp lý hơn nếu so sánh chiều cao của nền tháp và độ cao của hai con rồng. Sự tương xứng của chiều cao của tháp, bình đồ của tháp với cột đá chùa Dạm cho thấy việc hai con rồng chầu vào tượng phật ở lòng tháp là hoàn toàn có cơ sở.
Các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ cũng bóc thêm kiến trúc quanh chân tháp. Một hệ thống lát nền cũng của thời Lý đã phát lộ. Các vật liệu xây dựng cho thấy niên đại của bó nền và tháp cùng nhau. Do đó, niên đại của chúng đã gần nghìn năm.
Điều đáng tiếc là bia đá còn lại đã bị phong hóa nên mờ hết. TS Phụng đã kiểm tra 22 vạn thác bản của Viện Viễn Đông Bác cổ rập, song không thấy có nội dung văn bia này.
Giấc mơ hoa sen của tòa tháp
Giả thuyết của TS Phụng đưa ra không giống với nhiều ý kiến cho rằng cột đá chùa Dạm là một linga và do đó đối diện với nó hẳn là một linga khác. “Cột đá chùa Dạm có 6 lỗ mộng, vì thế không thể coi nó là một linga vì như thế linga không nguyên vẹn, không sinh sôi được”, ông Phụng nói.
Chính vì thế, TS Phụng đã đi tìm giải thích về cột đá và tháp trong quan hệ của người xây chùa Dạm (vua Lý Nhân Tông) và cha mình (vua Lý Thánh Tông). Vua cha đã xây chùa Một Cột sau giấc mơ hoa sen
Kết hợp với nghiên cứu chùa một cột, ông Phụng cho rằng, 6 lỗ mộng của cột đá phải để nâng đỡ kiến trúc gỗ bên trên tương tự chùa Một Cột. Và khẳng định này của ông có vẻ có cơ sở khi ngay cùng cấp nền với cột đá có một dấu tích giếng nước.
Cầm Trang