Trưng bày chuyên đề “Cổ ngọc Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) khai mạc sáng qua (2/8), đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu đến công chúng trong, ngoài nước một phần trong bộ đại sưu tập cổ ngọc Việt Nam mà bảo tàng đang sở hữu nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Độc đáo cổ ngọc Việt
150 cổ ngọc trưng bày lần này được tuyển chọn từ hàng ngàn hiện vật trong bộ sưu tập cổ ngọc của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Từ những cổ ngọc giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên cách đây 4.000 - 3.500 năm, giai đoạn Văn hóa Đông Sơn, cho tới hàng loạt đồ dùng trong cung của vương triều Nguyễn bằng ngọc quý như nghiên mực, quân cờ, ấn, bộ đồ ăn trầu, ấm, chén... tất cả đều cho người xem thấy được những bước phát triển vượt bậc về kĩ thuật chế tác của các nghệ nhân xưa.
Chén và đĩa bằng ngọc trắng bịt vàng của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN |
Các cổ ngọc được trưng bày theo 3 nhóm chính, tương ứng với 3 thời kỳ lịch sử Việt Nam bao gồm: Cổ ngọc tiền sử - sơ sử, cổ ngọc 10 thế kỷ đầu Công nguyên và cổ ngọc thời Lê - Nguyễn.
Ngoài một số ít cổ ngọc giai đoạn văn hóa thời tiền - sơ sử như Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn ở các tỉnh phía Bắc; Văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ở các tỉnh miền Trung và miền Nam và những cổ ngọc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên gồm khâu đeo thắt lưng, các vật đeo trang sức, nghiên mực, tượng rồng, tượng thú, tượng ve sầu, tượng cá... chiếm số lượng lớn nhất trong sưu tập trưng bày lần này là cổ ngọc thời Lê - Nguyễn, niên đại tập trung từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, chủ yếu là các cổ ngọc có nguồn gốc từ Cung đình Huế, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp nhận sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong đó, nhóm cổ ngọc đặc biệt quan trọng là 18 chiếc ngọc tỷ, bao gồm 2 chiếc thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); 3 chiếc đời Vua Minh Mệnh; 3 chiếc đời Vua Thiệu Trị; 2 chiếc đời Vua Tự Đức; 2 chiếc đời Vua Khải Định và 6 chiếc thuộc loại Đồ thư văn bảo, như cách gọi của sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Những ngọc tỷ này được chạm khắc, mài dũa bằng nhiều loại ngọc khác nhau, với các màu sắc ngọc xanh sẫm, ngọc xanh nhạt hay ngọc trắng.
Đỉnh ngọc xanh xám sẫm thời Nguyễn. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN |
Rất nhiều ngọc tỷ trong bộ sưu tập này được sử cũ lưu truyền về việc người dân tìm được và dâng lên vua. Chẳng hạn như Ngọc tỷ “Vạn Thọ vô cương”. Tương truyền, ngọc tỷ này do một người dân đào đất tìm được đem dâng lên Vua Minh Mệnh. Vua cùng triều thần vô cùng mừng rỡ, lập tức xuống chỉ cho dùng ngọc tỷ này đóng lên các ân chiếu, cáo văn khánh tiết trong lễ Vạn thọ (lễ mừng thọ nhà vua). Vào năm Thiệu Trị 6 (1846), có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi Ngọc huyện Hòa Điền, vùng đất Quảng Nam. Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quan Hữu tư dũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó là ngọc tỷ “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ Trời)...
Đỉnh ngọc trắng thời Nguyễn. |
Chậu ngọc trắng xanh nhiều màu bịt vàng thời Nguyễn. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN |
Một trong những nhóm cổ ngọc thu hút đông đảo người xem chính là bộ đồ ăn trầu trang trí phượng, một nhóm cổ ngọc hết sức đặc sắc. Theo nguồn gốc ghi trong sưu tập, bộ đồ trầu gồm có 1 khay, 1 ống nhổ và 2 chiếc hộp. Tất cả đều chế bằng loại ngọc trắng xanh và ngọc xanh celadon có kết hợp với vàng và đồi mồi. Nếu giả thiết rằng, trang trí hình chim phượng trên các đồ vật thuộc về Hoàng hậu thì chắc hẳn bộ đồ ăn trầu hiếm quý này đã được dùng trong phủ của các bà thuộc Hoàng cung triều Nguyễn.
Ngoài ra, còn có rất nhiều cổ ngọc có giá trị như bộ đỉnh ngọc, chậu ngọc, tranh ngọc, bộ ấm chén, bộ cờ tướng... trong đó có sự kết hợp khéo léo giữa ngọc với vàng, bạc, đồi mồi...
Nhiều hiện vật có giá trị
TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Trong những cổ ngọc trưng bày lần này, những nghiên mực ngọc của Vua Thiệu Trị là những cổ vật rất có giá trị lịch sử. Theo thống kê, trong thời gian 7 năm trị vì, Vua Thiệu Trị có khoảng 4.000 bài thơ và nhiều bài văn dài ngắn khác nhau. Trên đồ sứ ký kiểu mới chỉ tìm thấy một bài, nhưng ở đây, chúng tôi đã tìm thấy 4 nghiên ngọc khắc 4 bài thơ ngự chế của Vua Thiệu Trị. Và điều quan trọng là, khi nhìn lại tất cả các hoàng đế của Việt Nam từ xưa đến nay, không có ai lưu lại thơ trên cổ vật như Vua Thiệu Trị”. Ông Chiến cũng cho biết, hiện chưa biết những bài thơ đó hay đến đâu (vì vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa cho dịch), nhưng đây là những hiện vật rất quý, bởi không biết có bao nhiêu bài thơ, bài văn của “nhà vua thi sĩ” đã ra đời từ những chiếc nghiên quý hiếm ấy. Ngoài ra, những hiện vật có khắc minh văn, cho biết rõ những cổ ngọc đó được chế tạo dưới đời Vua Thiệu Trị như dòng chữ “Thiệu Trị niên tạo” được khắc trên ấm, trên tách, trên đĩa... kèm theo đó là những hình trang trí mang đặc trưng rất Việt Nam cũng là những hiện vật có giá trị cao.
Theo những nhà nghiên cứu, bộ sưu tập cổ ngọc trong trưng bày lần này, đặc biệt là cổ ngọc thời Lê - Nguyễn đã phản ánh những bước phát triển vượt bậc về kĩ thuật chế tác các đồ vật bằng ngọc, với những đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo của các nghệ nhân xưa, giúp chúng ta thấy khâm phục và tự hào tài năng sáng tạo của nghệ nhân thời xưa, xứng đáng với lời nhận xét của Vua Thiệu Trị: “Văn minh ở nước ta không kém gì Trung Quốc”.
Phương Lan