Để tìm ra một mô hình quản lý lễ hội vừa khoa học, vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, một “Hội nghị Diên hồng” gồm các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học, khảo cổ học và cộng đồng cư dân địa phương vừa được UBND tỉnh Nam Định, Sở VH,TT&DL Nam Định, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) phối hợp tổ chức Hội thảo: “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012”, diễn ra ngày 18/7 tại Nam Định.
Đền Trần (xã Lộc Vượng, TP Nam Định) được người dân cả nước biết đến bởi Lễ hội Khai ấn đầu Xuân diễn ra vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút một lượng đông đảo khách thập phương. Chỉ tính riêng trong hai năm 2010, 2011, trung bình mỗi năm lễ hội này thu hút trên 10 vạn lượt người tới tham dự. Sự phát triển cả về quy mô và số lượng người trong một không gian chật hẹp của khu di tích, trong khi cách tổ chức lễ hội còn mang đậm tư duy quản lý văn hóa thời bao cấp đã tạo nên sự quá tải của lễ hội, dẫn đến nhiều tiêu cực, thậm chí là những tệ nạn trong lễ hội ở đây. Việc tìm tòi, đổi mới mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần được đặt ra một cách cấp bách.
Tại hội thảo, Viện VHNT đã đưa ra 2 phương án (2 mô hình) tổ chức lễ hội đền Trần với những ưu, nhược điểm của từng phương án để các đại biểu thảo luận.
Phương án thứ nhất: Sẽ chỉ khai Ấn mà không tổ chức phát Ấn rộng rãi cho du khách. Với phương án này, sẽ khắc phục được ngay lập tức các khuyết điểm của mùa lễ hội cũ như tập trung quá đông vào một thời điểm gây lộn xộn, thương mại hóa và nguy cơ thảm họa cao, chi phí thấp hơn các phương án khác, giảm tải cho BTC… Tuy nhiên, hạn chế của nó là sẽ ít thu hút công chúng hơn, vấp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương và một bộ phận công chúng, nguy cơ xuất hiện những luồng phát Ấn ngầm…
Phương án thứ 2 là vẫn tổ chức khai Ấn như thường lệ, nhưng lùi thời gian phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2-3 ngày, trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Với phương án này, lễ hội sẽ vẫn tiếp tục thu hút được công chúng, cân bằng được các lợi ích, tuy nhiên có nhược điểm là đã can thiệp vào tính thiêng của nghi lễ…
Tại hội thảo xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Cụ Trần Quốc Văn, 80 tuổi, đại diện cho các cụ cao niên thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng (Nam Định) cho rằng: “Lễ khai Ấn là nét đẹp văn hóa tâm linh, là phong tục tập quán tín ngưỡng muôn đời của địa phương, nếu làm đảo lộn tín ngưỡng cũng có nghĩa là đi ngược lại với lịch sử phát triển văn hóa”. Cụ Văn cũng đề nghị giữ nguyên Lễ khai Ấn theo tục lệ cổ và nghi lễ truyền thống, không nên thay đổi. Nếu khai Ấn xong để hôm sau mới phát thì sẽ càng thêm phức tạp, bởi lượng du khách phải ở lại quá lâu, việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông sẽ phức tạp hơn mà vẫn không tránh khỏi tình trạng chen lấn xô đẩy khi vào lễ, nhận Ấn. Nếu không có biện pháp tích cực hơn trong quản lý và tổ chức lễ hội sẽ phức tạp hơn… TS.Trần Mạnh Quảng, Chủ tịch Hội đồng Trần tộc, cũng cho rằng, không nên thay đổi giờ phát Ấn vì đó là truyền thống của lịch sử…
Tuy nhiên, đại đa số ý kiến cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đều thiên về phương án 2, đó là vẫn tổ chức khai Ấn đúng nghi lễ truyền thống, nhưng lùi thời gian phát Ấn vào những ngày sau đó.
PGS.TS Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Nam Định thừa nhận, Lễ hội đền Trần, từ một lễ hội trang trọng, mang tính giáo dục, mang yếu tố văn hóa tâm linh, đậm chất nhân văn, đang bị biến tướng, do còn coi trọng yếu tố kinh doanh, thiếu tuyên truyền, quảng bá một cách bài bản cho du khách. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, nên tránh cách hành xử kiểu cái gì không quản lý được thì cấm, mà nên làm sao để quản lý và tổ chức hợp lý lễ hội, kết hợp được lễ hội, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc với quảng bá du lịch, để vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa thỏa ước muốn hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Ông Minh cũng cho rằng, sau khi khai Ấn đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, chỉ nên phát Ấn tượng trưng cho một số người, số Ấn phát đại trà cho nhân dân thì nên rải ra và thực hiện vào những số ngày sau đó.
GS. Trần Lâm Biền (Bộ VH,TT&DL) cũng cho rằng, việc này không thể phá bỏ, vì nó nằm trong yêu cầu của một bộ phận khá đông quần chúng, nhưng vấn đề đặt ra là giải quyết như thế nào. Theo ông Biền, việc phát Ấn không nhất thiết tập trung vào ngày 14, mà có thể kéo dài ra trong những ngày sau. TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) khẳng định, khai Ấn đền Trần là một nghi lễ do cộng đồng sáng tạo ra, một biểu hiện văn hóa có giá trị, có từ lâu đời, chính vì thế chúng ta phải có trách nhiệm tôn trọng và gìn giữ. Vấn đề cần làm là tìm những phương thức giải quyết phù hợp với mong muốn cộng đồng. Bà Lý cho rằng, nên tăng cường thông tin, giới thiệu giá trị đích thực của di sản, để mọi người không ngộ nhận, hiểu nhầm. Đồng thời phải trao quyền lại cho cộng đồng, để cộng đồng tự thực hành và tổ chức nghi thức, không nên mở rộng quy mô, không nên gắn cho nó nhiều ý nghĩa và có thể không phát Ấn đại trà như bây giờ.
Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT khẳng định, việc chọn mô hình phù hợp cho Lễ hội đền Trần là công việc khó khăn, cần có lộ trình xây dựng đề án thận trọng với sự tiếp cận và nhìn nhận từ phương pháp văn hóa học. Trên tinh thần tiếp nhận chủ trương của Bộ, sẽ tiếp tục tổ chức khai Ấn theo nghi lễ truyền thống, tuy nhiên việc phát Ấn sẽ được tính toán kỹ lưỡng, để đưa ra một mô hình tổ chức lễ hội đền Trần cho năm 2012 và những năm tiếp theo.
Phương Lan