03:07 14/03/2017

20 năm mang giá vẽ đi... 'hầu đồng'

“Đã có những lúc nản lòng vì tranh vẽ xong chỉ vứt đấy, không bán được, không được tham gia triển lãm, hay trưng bày, đã có một thời gian tôi ngừng vẽ…”, họa sĩ Trần Tuấn Long tâm sự.

Hoạ sĩ Trần Tuấn Long.

Sau 20 năm cần mẫn, họa sĩ Trần Tuấn Long đã hoàn thành bộ tranh sơn mài kỳ công về đề tài Hầu đồng. Một phần các tác phẩm này đang được trưng bày tại triển lãm tranh "Giá Thánh" (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,Hà Nội), diễn ra đến ngày 15/3/2017.


Chỉ vài tháng sau khi UNESCO chính thức công nhận Hầu đồng là Di sản Văn hóa phi vật thể tầm cỡ thế giới thì tới nay, họa sĩ Trần Tuấn Long đã là  họa sĩ đầu tiên  làm triển lãm chuyên về đề tài này. Và chắc cũng chỉ có mình Trần Tuấn Long mới đủ tranh vẽ về Hầu đồng cho cả một triển lãm. Cuộc triển lãm được anh lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2015.


Họa sĩ Trần Tuấn Long bắt đầu vẽ tranh về Thánh Mẫu vào năm 1996. Ngôi đền Vua Bà (Quảng Ninh) tại quê nhà chính là nơi đầu tiên anh được biết đến Hầu đồng.


Đền Vua Bà thờ bà bán hàng nước có công trong chiến thắng sông Bạch Đằng. Trước khi trận chiến Bạch Đằng xảy ra, Trần Hưng Đạo đã đi thị sát vùng cửa sông Bạch Đằng và đã hỏi bà hàng nước về con nước thủy triều lên xuống. Bà hàng nước đã cung cấp tỉ mỉ về lịch con nước lên xuống góp phần tạo chiến thắng lẫy lừng năm nào. Sau khi thắng giặc, Trần Hưng Đạo đã quay lại tìm bà hàng nước nhưng không tìm thấy, liền phong bà làm Quốc mẫu vua bà và lập miếu thờ bên cạnh cây Quyếch cổ thụ.


Họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ về cơ duyên dẫn anh tới những giá hầu: "Nhà tôi ở ngay gần đền Vua Bà. Năm đó là năm 1996, tôi dẫn người bạn người nước ngoài cùng làm trong ngành mỹ thuật về thăm quê. Đền Vua Bà buổi tối hôm đó có Hầu đồng, tôi đang ngồi đàm đạo với bạn tại nhà thì những thanh âm rộn ràng vọng lại. Quá ấn tượng bởi những âm thanh réo rắt ấy, tôi bỏ dở chén rượu để chạy sang xem. Hình ảnh những thanh đồng nhảy múa trong những sắc phục uy nghi đa sắc màu, âm thanh của các loại nhạc cụ đậm chất dân tộc: sáo, kèn, trống... cứ hiện lên trong đầu tôi kể từ đó".


Một giá hầu là sự kết hợp của rất nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, ví dụ như: nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật biểu diễn, múa, hát, thời trang… Sự hấp dẫn từ những kết hợp tinh tế của nhiều môn nghệ thuật trong một giá hầu đã thôi thúc người họa sĩ truyền tải những cảnh hầu đồng vào tranh sơn mài.


Đến nay, trải qua 20 năm chỉ vẽ tranh hầu đồng, họa sĩ Trần Tuấn Long đã có trong tay 26 bức tranh sơn mài, đó là 26 giá đồng được tái hiện lại, thể hiện chân dung, sắc diện của thanh đồng đương đại kết hợp với vốn cổ…


Trong 20 năm, anh cứ tìm tòi, hỏi han những nơi có hầu đồng, làm lễ để được đi theo làm tranh, chụp ảnh, vẽ kí họa. Mỗi năm làm một vài cái, đến nay 26 bức tranh hầu đồng là thành quả trong suốt 20 năm miệt mài của họa sĩ Trần Tuấn Long.


Anh tâm sự: "Để có được bộ sưu tập này là vô số lần tôi đi theo các giá hầu ở khắp mọi nơi, tôi cứ hòi thăm nhiều người, nơi nào có giá hầu là tôi thu xếp thời gian để lên đường. Với mỗi một bức tranh sơn mài, tôi phải xem đi xem lại một giá hầu để có thể nắm bắt được cái tinh thần, cái khoảnh khắc mà tôi cần để chuyển thể vào tranh. Mà nó khó lắm, không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy cái "thần" ấy. Đã có những lúc tôi mệt mỏi".


Anh chỉ tay vào bức tranh to nhất "Cô Bơ chèo đò", gồm 3 mảnh ghép được treo chính giữa bức tường lớn của phòng triển lãm: "Đây là bức tranh khiến tôi đau đầu. Tôi đã làm đi làm lại bức tranh này nhiều lần. Khi bắt đầu, tôi đã xem nhiều giá hầu cô Bơ để có thể nắm được cái tinh thần của giá hầu, tìm thấy được khoảnh khắc đắt giá cho mình, thế nhưng khi đã vẽ xong tôi không thể thấy vừa lòng. Xếp tranh ở đó, mấy năm sau nhìn lại thấy không vừa ý lại đập đi vẽ lại. Cứ như thế có lẽ trên chục lần rồi. Cái khí chất quá đặc biệt của nhân vật trong tranh khiến tôi không thể dễ dàng vừa lòng”.


Nhưng cuối cùng, sự miệt mài và ngọn lửa đam mê trong họa sĩ Trần Tuấn Long đã giúp anh có trong tay 26 bức tranh được ra mắt với công chúng.


Tranh “hầu đồng” từng bị cho là mê tín dị đoan


Hoạ sĩ trầm tư chia sẻ, trong quá trình 20 năm ròng rã đó, anh đã không ít lần từ bỏ vẽ tranh hầu đồng, chỉ đi làm thuê cho những họa sĩ, người chép tranh từ giấy sang chất liệu sơn mài.


Thời điểm đó tranh của anh không được công nhận, vẽ xong không được công bố, không gửi được ở các phòng tranh (gallery) thì cũng không bán được. Đã có lần anh gửi tranh đi dự triển lãm Toàn quốc nhưng vì bị cho là tuyên truyền cho mê tín dị đoan nên tranh của anh bị loại.


Nhưng có lẽ là cái duyên với Đạo Mẫu chưa hết, anh có cơ duyên gặp được họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch thường trục Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh chia sẻ: “Ông chính là người đã tiếp lửa cho tôi vào thời điểm tôi oải nhất và vứt lăn lóc số tranh kia. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khi xem đã  rất thích  và động viên tôi vẽ tiếp để làm triển lãm. Từ đó, tôi như có chỗ dựa tinh thần để lại vẽ  những bức tranh Giá Thánh ”.


Họa sĩ Trần Tuấn Long rít nhẹ điếu thuốc, chậm rãi cười: “Việc đạo mẫu được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa Phi vật thể chỉ là một sự tình cờ, tôi đã chuẩn bị cho ngày này từ 20 năm về trước. Không có điều gì thỏa nguyện hơn là thấy tác phẩm của mình được công chúng và những người trong nghề công nhận”.


Một số tác phẩm trong "Giá Thánh" của họa sĩ Trần Tuấn Long:


Kiều Hà