Chính khách tuổi mèo

Theo tử vi Phương Đông, những người cầm tinh con mèo có tính cách vui vẻ, có tài và tham vọng. Họ biết cách thu hút sự chú ý của người khác và rất hòa đồng trong những sự kiện có đông người tham gia.


Người tuổi mèo có khả năng phán đoán tuyệt vời và có khả năng phi thường trong nhận biết sự chân thành, dối trá. Những chính khách tuổi mèo hẳn cũng không nằm ngoài những nhận định này? Chúng ta thử tìm hiểu một số chính khách tiêu biểu sinh năm mèo theo lịch của người Phương Đông.

Tổng thống Êcuađo Rafael Correa:
Chuyên gia kinh tế

Ông Rafael Correa sinh ngày 6/4/1963 tại thành phố Guayaquil (miền tây Êcuađo) trong một gia đình trung lưu. Ông kết hôn với bà Anne Malherbe Gosseline và có ba người con.

Năm 1987, ông Correa nhận bằng kinh tế học tại trường Đại học Công giáo. Tháng 6/1991, ông lấy bằng thạc sĩ trường Đại học Louvain ở Bỉ. Quá trình theo đuổi ngành kinh tế học chưa dừng lại ở đây khi ông tiếp tục theo học tại trường Đại học Illinois (Mỹ) và lấy bằng thạc sĩ khoa học kinh tế vào tháng 5/1999, bằng tiến sĩ kinh tế tháng 10/2001. Với nền học vấn kinh tế khá dày dặn, ông Correa đã trở thành Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính vào năm 2005 dưới thời Tổng thống Alfredo Palacio.

Cuối năm 2006, ông được bầu làm Tổng thống và chính thức nhậm chức tháng 1/2007. Ông Correa tái đắc cử Tổng thống vào tháng 4/2009 ngay sau vòng bỏ phiếu đầu tiên - một sự kiện lịch sử ở đất nước Nam Mỹ này vì lần đầu tiên trong 30 năm một cuộc bầu cử tổng thống không phải tiến hành vòng hai.

Ông Correa cam kết cải cách hiến pháp, cơ cấu chính trị Êcuađo và tăng cường chi tiêu xã hội. Lời hứa của ông được thực hiện vào tháng 9/2008 khi 65% người dân Êcuađo bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới với nhiều thay đổi sâu rộng. Ông cũng chi hàng tỷ USD cho các dự án xã hội.

Ông Correa được coi là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Êcuađo. Một trong những quyết định thể hiện cá tính đó là từ chối gia hạn thời gian cho Mỹ thuê các căn cứ không quân để thực hiện việc chống ma túy. Tháng 2/2009, ông trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ vì cho rằng họ can thiệp vào công việc nội bộ của Êcuađo.

Cựu Thủ tướng Ailen Bertie Ahern:
Khôn ngoan và mạnh mẽ

Ông Bertie Ahern sinh ngày 12/9/1951 trong một gia đình lao động ở vùng Drumcondra, ngoại ô thủ đô Đablin của Ailen. Ông tốt nghiệp trường Đại học Dublin và trường Cao đẳng Thương mại Rathmines. Ông kết hôn năm 1975 và có hai con gái.

Từ khi mới 14 tuổi, ông Ahern đã rất quan tâm đến chính trị. Khi ấy, ông tham gia chiến dịch bầu cử phụ của đảng Fianna Fail (đảng Cộng hòa) và nhận nhiệm vụ trèo lên các cột đèn để treo áp phích ủng hộ Fianna Fail ở Drumcondra.


Trong chiến dịch này, ông Ahern đã gặp người dìu dắt chính trị cho mình, ông Charles Haughey – người sau này thành thủ tướng. Ahern trở thành thành viên đảng Fianna Fail khi mới 17 tuổi. Với niềm đam mê chính trị từ nhỏ, ông đã tiến thân không ngừng và trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ailen hiện đại ở tuổi 45.

Trước đó, ông từng là Thị trưởng thành phố Đablin, Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Tài chính. Với tư cách là Bộ trưởng Lao động, ông đã biến bộ này từ một bộ yếu kém trở thành một đơn vị quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế của Ailen.

Một thành công quan trọng của ông Ahern, đó là vào năm 2004, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu và có cơ hội trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhưng ông từ chối vì muốn dành ưu tiên cho nền chính trị trong nước.

Khi còn ở cương vị thủ tướng, ông Ahern nổi tiếng là một người có tài thương thuyết với nhiều thành công nổi bật. Ông đã có công đàm phán thỏa thuận liên minh giữa đảng Fianna Fail và đảng Dân chủ cấp tiến (PD) năm 1989.


Ông vẫn giữ được chính phủ liên minh này khi đàm phán năm 1991. Ngày 24/9/2003, ông cùng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair được trao giải thưởng Thomas J. Dodd trong lĩnh vực nhân quyền và công lý quốc tế vì có công ký được thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành – một thỏa thuận hòa bình giữa Anh và Bắc Ailen. Ông được miêu tả là “con người của hòa bình, người xây cầu nối”. Còn cựu Thủ tướng Charles Haughey đã từng coi ông Ahern là “người khéo léo nhất, tài giỏi nhất và khôn ngoan nhất”.

Sau khi tuyên bố rút khỏi chính trường không lâu, ông đã lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm là ông Brian Cowen vì không có sự gắn kết với người dân. Ông còn chỉ trích chính phủ Ailen trong việc xử lý gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Với hành động này, ông đã phá vỡ một quy tắc truyền thống là cựu thủ tướng không nên công khai chỉ trích người kế nhiệm.

Ông còn dám phá vỡ khuôn phép của chính trị Ailen ở một khía cạnh khác mang tính cá nhân hơn. Ông là thủ tướng Ailen đầu tiên ly hôn với vợ. Sau đó, ông công khai đi lại với một người phụ nữ độc thân tên là Celia Larkin.

Cựu Thủ tướng Italia Romano Prodi:
Thủ tướng “bình dân”

Sinh ngày 9/8/1939, Romano Prodi được đánh giá là thủ tướng thành công nhất Italia thời hậu chiến. Ông Romano Prodi tốt nghiệp khoa kinh tế trường Đại học Công giáo ở Milan năm 1961 và tiếp tục một khóa học sau đại học tại trường Kinh tế Luân Đôn. Ông từng là Giáo sư thỉnh giảng ở trường Đại học Harvard trong năm 1974.

Ông kết hôn với người con gái là mối tình thời thơ ấu và có hai con trai. Romano Prodi nổi tiếng là một vị thủ tướng “bình dân”. Thú vui giải trí của ông là đi xe đạp và đây cũng là phương tiện đi làm của ông ở thành phố Bologna. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông thường đi lại bằng một chiếc xe buýt cũ trong khi các vị thủ tướng khác thường tiếp xúc cử tri bằng máy bay riêng.

Trước khi làm thủ tướng, ông Prodi từng làm Bộ trưởng Công nghiệp trong 6 tháng vào khoảng thời gian 1978 - 1979. Ông làm chủ tịch công ty IRI – một tập đoàn công nghiệp sở hữu nhà nước lớn từ năm 1982 đến năm 1989 và sau đó tiếp tục cương vị này từ năm 1993 đến năm 1994. Trong thời gian đó, ông đã xóa được những khoản lỗ nặng của tập đoàn và giúp tập đoàn làm ăn có lãi.

Ông Prodi có một quan điểm rất nhất quán. Lúc nào ông cũng tâm niệm nghệ thuật thỏa hiệp là giá trị chính trị quan trọng nhất ở Italia. Ông nói: “Chúng ta có một khả năng thỏa hiệp tuyệt vời. Cách thức thỏa hiệp ở Italia rất khác so với Pháp hay Anh”.

Sự nghiệp chính trị của ông Prodi bắt đầu khi ông là thành viên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Năm 1995, ông là một trong những người sáng lập liên minh trung tả Olive Tree (Cành ôliu) và đánh bại liên minh trung hữu Pole of Freedoms của ông Silvio Berlusconi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1996, trở thành thủ tướng Italia. Chương trình tranh cử của ông Prodi bao gồm kế hoạch tiếp tục phục hồi nền kinh tế nước nhà để theo đuổi tham vọng gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro – một mục tiêu lúc đó bị coi là không thể đạt được. Ông Prodi đã thành công với mục tiêu này trong hơn 6 tháng.

Tháng 9/1999, ông Prodi trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhờ sự ủng hộ của cả đảng Nhân dân châu Âu và đảng Xã hội châu Âu thuộc Nghị viện châu Âu. Trong thời gian ở cương vị này, Liên minh châu Âu (EU) có nhiều sự kiện quan trọng.


Năm 2002, 11 nước thành viên EU đã từ bỏ đồng tiền riêng để dùng thống nhất đồng euro. Ủy ban châu Âu khóa thứ 10 liên tục tăng cường quyền lực và ảnh hưởng sau khi ký Hiệp ước Amxtécđam. Một số phương tiện truyền thông gọi Chủ tịch Prodi là “Thủ tướng đầu tiên của EU”. Năm 2004, EU được mở rộng, Hiệp ước Nice được ký kết, Hiến pháp châu Âu đầu tiên cũng hoàn thành và được thông qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Canađa Maxime Bernier:
Chính trị gia đa năng

Maxime Bernier sinh ngày 18/1/1963 tại tỉnh Quebec. Từ khi còn là một cậu bé, Maxime Bernier đã rất yêu thể thao. Ông chơi bóng đá và là thành viên của đội Condors. Ngoài ra, ông còn tham gia vào vài cuộc chạy marathon và ngày nào ông cũng chạy bộ để giữ dáng vóc.

Năm 1985, ông Bernier lấy bằng cử nhân thương mại trường Đại học Montreal ở Quebec, sau đó, ông bắt đầu học luật ở Đại học Ottawa. Vốn quan tâm đến kinh doanh từ lâu, ông đã làm việc ở nhiều vị trí trong một số ngân hàng và thể chế tài chính như Ngân hàng quốc gia, Ủy ban chứng khoán Quebec, tập đoàn đầu tư Standard Life. Ông còn từng giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành Viện kinh tế Montreal.

Nhìn thấy tài lãnh đạo của ông, một vài người đã khuyến khích ông tham gia chính trị. Sau khi gặp gỡ Thủ tướng Canađa Stephen Harper mùa hè năm 2005, ông Bernier quyết định thử sức trong lĩnh vực này.


Ông tiết lộ, mục đích tham gia chính trường là để thực hiện những điều ông muốn như tăng cường tự do cá nhân và giảm bớt sự điều hành của chính phủ. Ông nói: “Tôi cho rằng người Canađa rất có trách nhiệm vì thế không cần một chính phủ cồng kềnh”.

Ông được bầu vào Hạ viện Canađa trong cuộc tổng tuyển cử tháng 1/2006 với số phiếu 67% - số phiếu cao nhất bầu cho một ứng cử viên đảng Bảo thủ trong khu vực bầu cử Manitoba. Ông là một trong những nghị sĩ quốc hội cấp cao của tỉnh Quebec.


Năm 2006, ông được bầu làm Bộ trưởng Công nghiệp. Ở vị trí này, ông đã đạt được thành công đáng kể trong ngành viễn thông và được Giáo sư Richard J. Schultz, trưởng khoa Khoa học chính trị của trường Đại học McGill, miêu tả là Bộ trưởng Công nghiệp giỏi nhất trong 30 năm.

Sau này, vào tháng 8/2007, ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao nhưng buộc phải từ chức năm 2008 sau khi cô bạn gái cũ tiết lộ ông từng để quên tài liệu mật của chính phủ tại nhà cô ta. Mặc dù vậy, ông Bernier dễ dàng tái đắc cử chức vụ này trong cuộc bầu cử năm 2008. Một lần nữa, ông lại được bầu với số phiếu cao nhất trong số những nghị sĩ ở Quebec.

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN