Dân Trung Quốc quay lưng với giáo dục công


Từ bỏ sự nghiệp thành đạt của người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu y học để dành toàn bộ thời gian "ngâm cứu" sách giáo khoa là một lựa chọn khó khăn cho ông bố Zhang Qiaofeng.


 

Ảnh minh họa.

 

Nhưng với Zhang, một trong số cộng đồng nhỏ nhưng ngày càng tăng các ông bố bà mẹ ở Trung Quốc đang "quay lưng" với hệ thống trường học công quá chú trọng thi cử của nước này thì ông không còn lựa chọn nào khác.


"Hệ thống giáo dục Trung Quốc có những vấn đề đặc biệt", ông Zhang, từng tốt nghiệp một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc nói. "Tôi muốn con trai tôi nhận được kiểu giáo dục mà trong đó cháu được chủ động tham gia nhiều hơn chứ không phải kiểu thầy giảng trò nghe như ở trường học. Bây giờ phần lớn thời gian của cháu là dành cho những điều cháu hứng thú khám phá hoặc là chơi".


Trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, ông Zhang dạy cậu con trai Hongwu 4 giờ mỗi ngày, ít hơn 2 giờ so với thời gian quy định tại bậc tiểu học ở hệ thống trường công Trung Quốc.


Theo ông bố này, hệ thống giáo dục Trung Quốc hiện nay tồn tại nhiều bất cập mà ông cho là "quá tải" với các kỳ thi là kết quả của lối giáo dục độc đoán quá đà.
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực giáo dục đại học trên toàn quốc, với các khu vực thành thị như Thượng Hải có tỉ lệ thi đỗ đại học lý tưởng. Theo số liệu của Liên hợp quốc, tỉ lệ biết chữ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này lên đến 99%.


Nhưng điều khiến nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc không hài lòng chính là kiểu giáo dục chỉ chú trọng nghe giảng và thi cử, buộc học sinh phải dành rất nhiều thời gian ở trường.


Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc tiến hành năm 2007, trẻ em Trung Quốc dành trung bình 8,6 giờ mỗi ngày trên lớp; một số em mất tới 12 giờ mỗi ngày.


Lao Kaisheng, một nhà nghiên cứu chính sách giáo dục tại trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết ngày càng có nhiều bậc bố mẹ ở Trung Quốc muốn có thêm tiếng nói về việc con cái họ được giáo dục như thế nào. Ông nói: "Xu hướng giáo dục tại gia đang ngày càng tăng, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Những bậc bố mẹ dạy con tại nhà thường có những đòi hỏi khắt khe hơn về giáo dục cho con cái họ và cảm thấy rằng nhà trường sẽ không đáp ứng được nhu cầu của bọn trẻ".


Không có số liệu chính thức về tỉ lệ các ông bố bà mẹ tự dạy con ở nhà nhưng ông Lao ước tính rằng con số này chưa đến 1%. Một trong những ví dụ nổi bật là Xu Xuejin, người đã chuyển từ Zhejiang, một trung tâm chế tạo đang bùng nổ ở miền Đông Trung Quốc để tới thị trấn Dali yên bình ở Tây Nam nước này để tạo môi trường tốt hơn cho hai con của mình. Xu nói: "Trẻ em Trung Quốc được dạy phải cạnh tranh ngay từ nhỏ. Những học sinh không biết ganh đua sẽ bị loại... Có quá nhiều áp lực dồn lên chúng".


Xu nói rằng ông muốn tạo cho các con mình một kiểu học hành có động cơ rõ rệt hơn là kiểu giáo dục thụ động mà chúng nhận được ở trường. Giáo dục tại gia cũng là hình thức phổ biến ở Mỹ.


Một diễn đàn trên Internet mà ông lập ra năm 2010 cho các bậc bố mẹ dạy con học ở nhà nhằm trao đổi học cụ và thảo luận phương pháp giảng dạy hiện có hơn 4.000 thành viên đăng ký tham gia. Những lo ngại về tính hợp pháp của hình thức giáo dục này được chia sẻ rộng rãi trên diễn đàn bởi luật pháp Trung Quốc nêu rõ trẻ em phải được đến trường khi 7 tuổi và phải trải qua hình thức giáo dục bắt buộc trong 9 năm.


Theo ông Lao, bản thân các quan chức ngành giáo dục Trung Quốc cũng chia rẽ trong vấn đề này. Một số muốn ép các bậc cha mẹ phải đưa con trở lại trường học trong khi một số khác muốn hợp pháp hóa hình thức giáo dục tại nhà. Đây cũng là lý do tại sao đến giờ vẫn chưa có quy định mới nào liên quan vấn đề này.


Mặc dù vậy, những nghi ngại về tính hợp pháp của giáo dục tại nhà không làm "chùn bước" những người như Zhang. Bày tỏ hy vọng rằng con trai mình sẽ không bao giờ phải đến trường nữa, ông nói: "Tiếng Hoa và tiếng Anh của con tôi tốt hơn nhiều so với các cháu cùng lứa tuổi. Tôi dự định sẽ tự dạy con học cho đến khi nào cháu có thể thi vào đại học. Tôi hy vọng con tôi sẽ được học ở những trường danh giá như Harvard, Oxford hay Cambridge, và tôi chắc chắn tới 95% rằng con tôi có thể làm được điều này".


Ngân An (theo AFP)

Đổi mới nền giáo dục bằng công nghệ thông tin
Đổi mới nền giáo dục bằng công nghệ thông tin

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã quán triệt chủ trương: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN