Trường THCS dân tộc bán trú Mẫu Sơn, có 59 học sinh người Dao, nằm chênh vênh trên sườn núi thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn - nơi có độ cao trên 1.500 m so với mặt biển, quanh năm sương mù bao phủ. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò nơi đây luôn cố gắng vượt qua để các em có cái chữ bước vào đời.
Hành trình vượt khó để học chữ
Gặp chúng tôi tại cổng trường sau khi vừa cắt rừng đến lớp, em Triệu Thị Tuyên, học sinh lớp 7 (thôn Trà Ký, xã Mẫu Sơn) chia sẻ: Chúng em đi bộ quen rồi, trước đây nhà trường chưa có chỗ ở, ngày nào em cũng phải dậy sớm để chuẩn bị sách vở, cơm nắm, nước uống..., đi bộ gần 3 tiếng mới tới được trường. Nay nhà trường có chỗ ở, chúng em đỡ vất vả hơn, em rất thích được đi học và mong muốn sau này được trở thành cô giáo đem cái chữ về dạy tại bản mình.
Một tiết học ở trường THCS bán trú Mẫu Sơn. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu bán trú của học sinh nơi đây, thầy Lành Văn Thọ, Hiệu trưởng trường THCS dân tộc bán trú Mẫu Sơn cho biết: Trường có 2 gian bán trú nhỏ cho 32 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, diện tích chưa đầy 15 m2/phòng nhưng phải kê đến 16 cái gường cho các em ở. Tất cả mọi sinh hoạt như: học, ngủ, nghỉ... của các em đều phải thực hiện trong không gian chật chội này.
Chỗ ở như vậy, bữa ăn của các học sinh cũng đạm bạc, chỉ với vài miếng thịt vụn cùng mấy miếng đậu phụ và bát canh rau rừng. Hỏi ra mới biết, với học sinh thuộc diện bán trú nơi đây khẩu phần ăn chỉ là 13.000 đồng/suất/ngày mà phải thực sự “khéo mua” lắm mới có được bữa ăn như vậy.
Em Hoàng Văn Lộc, học sinh lớp 6 (thôn Bản Quang), là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trường; bố, mẹ bỏ nhau, chị gái đi làm ăn xa, vì vậy em luôn nhận được sự yêu thương đùm bọc của thầy cô và bạn bè. Vượt qua khó khăn, thiệt thòi, Lộc luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, bạn bè. Ước mơ của em giản dị, nhưng đầy nghị lực là trở thành anh bộ đội để bảo vệ quê hương.
Những “kỹ sư tâm hồn” cắm bản gieo chữ
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, thầy giáo Vi Đức Tuấn, 33 tuổi, đã tình nguyện lên vùng cao “trồng người” nơi rừng sâu, núi thẳm. Thầy đã “cắm bản” ở vùng cao ngót nghét 10 năm, trở thành “người con” của bản làng Mẫu Sơn.
Thầy Tuấn cho biết: Tôi vẫn biết lên miền núi "cắm bản" là phải chịu khổ. Chỉ thương các em học sinh con nhà nghèo, điều kiện khó khăn nhưng nhiều em vẫn ham học và mong có được cái chữ. Thời tiết ở đây quanh năm giá lạnh và thay đổi bất thường, mấy năm trở lại đây năm nào cũng có tuyết rơi. Cuối tuần học sinh về nhà, là chúng tôi lại lo lắng bởi nhiều em phải ngủ nhờ nhà dân giữa đường vì trời tối giá lạnh, đi về không được mà quay lại trường cũng không xong.
Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, người đã "cắm bản" được gần chục năm tâm sự: Có gần gũi với các em học sinh ở đây mới thấy hết được những vất vả, cực nhọc của các em trong hành trình đi tìm con chữ. Thương nhất là mỗi khi mưa đến, đông về, thời tiết giá rét có khi nhiệt độ giảm xuống dưới 5 độ C hàng tháng trời, vậy mà áo không đủ ấm, tất không có mà đi, nhìn chúng mà thấy tội.
Các thầy, cô giáo nơi đây không chỉ dạy chữ, mà họ là cha, mẹ, là người bạn của các em. Cô giáo Vương Thị Bích Thủy, người có gần 5 năm công tác tại đây cho biết: Chúng tôi vừa dạy học, vừa làm “cấp dưỡng” cho các em. Ở trường, chúng tôi phân thành từng ca, cứ đến ca nào thì những người trong ca đó lo xuống núi (hơn 10 km) mua thực phẩm để nấu ăn cho các em. Mặc dù bữa ăn rất đạm bạc nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui vì được đồng hành cùng các em trong hành trình đi tìm con chữ.
Mặt trời khuất dần sau lưng núi cũng là lúc chúng tôi rời trường THCS dân tộc bán trú Mẫu Sơn, những cái bắt tay ân cần của các thầy cô, những đôi mắt trong trẻo, nụ cười rạng ngời của các em học sinh như xua tan đi những nhọc nhằn.
Bài và ảnh: Thắng Trung