Hát quan làng - nét độc đáo trong đám cưới người Tày

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bào dân tộc Tày chiếm khoảng 24% dân số. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày rất phong phú và sinh động với những câu chuyện truyền miệng, ca dao, hát lượn, hát ru... nhưng đáng chú ý nhất là hát quan làng - là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày.


Theo sự chỉ dẫn và giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, tôi gặp được ông Nông Quang Phụng, người dân tộc Tày (thôn 2 Thái Bình, Thái Sơn), là người nghiên cứu, sưu tầm và là một trong những người hát quan làng.


Ông Phụng cho biết: Hát quan làng hay còn gọi là thơ lẩu của dân tộc Tày xuất hiện từ rất lâu đời. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể.


Nghiên cứu, sưu tầm hát quan làng trở thành niềm đam mê của ông Nông Quang Phụng.


Những người hát quan làng (tiếng Tày gọi là pú quan làng) chủ yếu là đàn ông và là người đứng tuổi, ông quan làng phải là những người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc. Nội dung của các bài hát là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống.


Trong mỗi lời hát quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Xét về mặt văn hóa, ngôn ngữ và tri thức ứng xử thì quan làng phải là người thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình. Vì vậy, trước khi thực hiện đám cưới, nhà trai hết sức cẩn trọng trong việc tìm quan làng để đón dâu, nhà gái cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn người để đưa con gái mình về nhà chồng.


Trong một đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan làng.


Tôi may mắn khi được tham dự lễ cưới của gia đình ông Triệu Việt Hưng, người dân tộc Tày (thôn 2 Thái Bình, Thái Sơn, Hàm Yên, Tuyên Quang). Theo những người dân ở đây, đã lâu lắm rồi mới có một đám cưới vui đến thế, đậm đà bản sắc dân tộc đến thế. Bởi cô dâu và chú rể được tổ chức lễ cưới theo đúng phong tục truyền thống của người dân tộc Tày.


Theo chân họ nhà trai, tôi cùng đi đến họ nhà gái. Nhà trai trên đường đến nhà gái sẽ phải vượt qua rất nhiều thử thách của nhà gái như: Lạt giăng chắn lối đi, rồi đến máng rửa chân không có gáo múc nước, vào nhà thì vướng chổi, chiếu thì trải ngược... Lúc này ông quan làng phải hát để sao cho người bên nhà gái phải ra thu lại và mời vào nhà. Khi bước chân vào đến nhà thì phải hát bài “Chồm lườn” (mừng nhà) rồi xin ngồi, mời trà, mời cơm, mời rượu...


Khi làm lễ trước bàn thờ tổ trong lễ cưới chính thức ở nhà gái, ông quan làng hát bài “Nộp lằm khấu” (nộp ướt khô) trước sự chứng kiến của họ hàng nội ngoại ngồi ở hai hàng hai bên. Trên mâm lễ là cuộn vải hai đầu cuốn vải đỏ, trong đó có hai mét vải đen và ít tiền (có thể là hoa tai, vòng bạc). “Tục truyền rằng xa xưa cha mẹ nghèo lắm, khi sinh con ra không có tã lót, người mẹ đón con trên tà áo chàm, mẹ đâu dám kể công ơn mang nặng đẻ đau nuôi nấng con cái mình...”. Những lời bài hát đó được ông quan làng trình bày để vừa lòng đôi bên cha mẹ nhà trai và nhà gái.


Ông Hưng tâm sự: Cách đây khoảng 40 năm lúc ông lấy vợ, kinh tế còn đang khó khăn, nhưng đám cưới của người Tày vẫn có đầy đủ những nghi thức, phong tục đặc trưng của dân tộc. Trong đó hát quan làng là một nghi thức không thể thiếu. Đám cưới của người Tày ngày nay không còn nhiều hủ tục rườm rà như xưa nữa mà chỉ giữ lại những tục lệ chính mang đậm nét văn hóa riêng.


Hát quan làng trong đám cưới truyền thống ẩn chứa tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức giao lưu, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng. Cũng theo ông Hưng: nét văn hóa đặc sắc này cần được lưu truyền để các thế hệ con cháu sau này luôn nhớ và giữ gìn, góp phần làm phong phú và đa sắc màu cho kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc Việt Nam.


Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc phát triển, gìn giữ những phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào chung sống trong địa bàn tỉnh, đặc biệt là những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày.


Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương phát huy và quảng bá rộng rãi những phong tục, tập quán, những nét văn hóa này đến với du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức sưu tầm, tập hợp những tư liệu và sách cổ về hát quan làng đang lưu giữ trong nhân dân, để hát quan làng sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa.



Bài và ảnh:Đức Thắng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN