Đứa con đầu tiên của bản Toòng Sành thi đỗ đại học

Bản nghèo vùng cao Toòng Sành, xã Cốc San (Bát Xát, Lào Cai) những ngày qua thật rộn ràng khi nhận tin Vi Văn Điệp (ảnh), cậu học trò nghèo người Giáy vượt lên cái đói, cái rách và nỗi nhọc nhằn để học tập tốt, trở thành đứa con đầu tiên của bản thi đỗ Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

 

Tấm gương của Vi Văn Điệp đã khơi dậy niềm tin cho những học trò đồng bào dân tộc thiểu số thêm nghị lực, để phấn đấu vươn lên học tập, thắp sáng con chữ nơi bản nghèo.

 

Giấy khen nhiều hơn quần áo


Ở bản Toòng Sành, có lẽ Vi Văn Điệp là đứa bé có tuổi thơ cơ cực nhất. Mẹ mất khi Điệp mới tròn 2 tuổi, từ đó anh Vi Văn Hiền ( bố của Điệp) vừa làm cha vừa làm mẹ, tảo tần nuôi hai anh em Điệp khôn lớn thành người. Dù cố gắng đến mấy cũng chỉ đủ miếng rau, miếng cháo qua ngày. “Bản mình nghèo lắm, có mấy nhà xây đâu, trồng cấy trên đất dốc lại bé như lưỡi mèo nên cũng chỉ đủ ngô cháo qua ngày thôi. Mẹ nó mất sớm cảnh gà trống nuôi con nên cơ cực lắm” - anh Hiền rưng rưng chia sẻ.


Khoản thu nhập chính từ vài ô ruộng bậc thang và mảnh nương cằn đã không đủ để lo cho các con ăn học và sinh hoạt trong gia đình. Hễ ở đâu có người cần phụ hồ là anh Hiền lại không ngại khó khăn xin đi làm, có khi biền biệt cả tháng để lại hai con nhỏ dại nhờ họ hàng giúp đỡ. Thương hai con nhỏ bao nhiêu, anh Hiền càng lăn vào làm mọi việc quần quật như “con trâu” của bản, cốt sao mong các con được no cái bụng và được học chữ cho sáng cái dạ để sau bớt khổ.


Những người hàng xóm của Điệp cho biết : “Điệp tiết kiệm lắm, cũng chỉ có 2 bộ quần áo kaki đen trắng thay đổi. Thế nhưng suốt 12 năm học chẳng năm nào em không được giấy khen. Mà còn có cả bằng khen của chủ tịch tỉnh nữa. Mấy hôm nay chúng tôi cứ động viên, sắp đi học Thủ đô rồi may bộ quần áo mới cho nó tươm tất”.


Do nhà cách trường tới 13 km đường đèo, nên ngày ngày Điệp phải dậy từ 5 giờ sáng mới kịp giờ đến lớp. Đôi dép tổ ong đã rách mũi được buộc bằng sợi dây thép nhỏ đã theo chân Điệp vượt qua gai nhọn, đá sắc trong suốt 3 năm học THPT, cho tới tận ngày lên Hà Nội thi đại học. Có không ít hôm học cả ngày, Điệp lả đi vì cái bụng “réo sôi”. Điệp tâm sự: “Em chẳng mấy khi ăn sáng, không ăn rồi cũng quen. May có hôm nào các cô chú thương cho củ khoai lót dạ đi học là hôm đó em học cả ngày vui lắm”.


Thương bố mẹ nghèo, hai anh em Điệp bảo nhau chăm ngoan học hành và phụ giúp công việc gia đình khi bố vắng nhà. Em Đào Phương Thảo bạn thân của Điệp cho biết, sau thời gian học tập ở trường, về nhà Điệp lại tự mình cơm nước, dọn dẹp và làm nương, rồi học bài. Ngày còn học cấp 1, cấp 2, nhà gần trường nên cũng đỡ vất vả. Lên cấp 3, Điệp đi học xa nhà, nhất là những khi trời mưa núi đất lở, đường trơn khó đi lắm. Nhưng bạn chẳng mấy khi nghỉ học. Suốt 12 năm học, Điệp luôn đạt học sinh giỏi và đã thực hiện được ước mơ học Đại học sư phạm, để trở thành thầy giáo, về dạy cho các em trong bản”.

 

Chạm vào ước mơ


Ngày Điệp nhận tin đỗ vào khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, gia đình và cả bản vui lắm. Anh Vi Văn Hiền đi làm xa đã xin nghỉ mấy ngày để về nhà lo cho con. Nhưng niềm vui ấy chưa được ít ngày, trong lòng người cha lại dấy bao lo lắng. “Mấy đêm rồi về mình thức trắng, ngày nào cũng chạy hỏi ngược xuôi cũng chẳng mượn đủ tiền cho nó đi nhập học, chỉ còn vài ngày nữa nó đi học không biết tính sao…”, giọng anh nghẹn lại.


Chị Nguyễn Thị Tâm, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 12A2, trường THPT số 1 Lào Cai cho biết, trước ngày đi thi đại học 2 tuần, Điệp còn đi phụ hồ kiếm tiền đi thi. Nhưng vóc người nhỏ, sức lại yếu nên cũng chẳng kiếm được là bao nên không đủ lộ phí đi thi. Có những khi Điệp đã định bỏ kỳ thi năm nay. Khi biết tin, thầy Vương Quang Trọng, giáo viên chủ nhiệm lớp, đã đến tận nơi Điệp đang làm việc đưa em về nhà để ôn thi. Thầy Vương Quang Trọng khoe: “ Điệp là một học sinh thông minh, chịu khó, chăm chỉ học tập, rất ngoan và sống giản dị, được các bạn bè, thầy cô yêu quý. Đặc biệt, em có khả năng tự đọc sách và tự học rất tốt, mới ôn thi được hai tuần thôi nhưng em đã thi đỗ, quả thực là một thành tích rất đáng mừng”.


Cùng với sự giúp đỡ của thầy chủ nhiệm, cùng những bàn tay nhân ái của các cô, chú trong hội phụ huynh và một số người hảo tâm, Điệp đã có lộ phí xuống Hà Nội thi đại học. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của em còn dài. Rất mong sẽ có nhiều bàn tay nhân ái sẽ giúp đỡ Điệp, để em có thể tiếp tục hành trình đến ước mơ của mình.


Bài và ảnh: Nguyễn Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN