Cặp vợ chồng người Dao thu gom phế liệu nuôi 3 con học đại học

Câu chuyện về một gia đình dân tộc Dao nghèo ở xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) chuyên thu gom phế liệu nuôi 3 con thi đỗ đại học giống như một câu chuyện cổ tích được bà con truyền tai nhau khắp các bản gần xa.

Vợ chồng ông Bích cùng các con, cháu.


Con đường từ trung tâm thị trấn Nguyên Bình đến xã Quang Thành dài hơn 20 km gập ghềnh cheo leo, luồn qua những cánh rừng hun hút, vắt vẻo qua những ngọn núi cao. Xóm Nà Pẻn ẩn mình dưới những tán cây rừng ven suối. Căn nhà của ông Chu Triều Bích và vợ là Bàn Thị Thanh có 3 con đỗ đại học nằm ở đầu bản. Trong căn nhà cũ kỹ rêu phong ấy, trên tường treo đầy những tấm giấy khen về thành tích học tập của các con ông Bích. Kể về các con, mắt ông ánh lên niềm vui sướng tự hào: “Vợ chồng tôi sinh được 5 người con, 3 trai 2 gái, trong đó có 3 người con đỗ đại học…”. Đó là một thành tích rất đáng tự hào mà những người hàng xóm của ông Bích ví von rằng, nhà ấy trúng số độc đắc. Ông Hoàng Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Trong xã chưa có gia đình nào như thế. Gia đình ông Bích có 3 con đỗ đại học là tấm gương sáng cổ vũ phong trào học tập của bà con trong xã.

Khi được hỏi về “bí quyết” dạy con học giỏi, ông Bích thành thật: “Tôi không có bí quyết gì cả. Bản thân tôi chỉ được học đến lớp 7, vợ tôi cũng chỉ được học xóa mù, đủ biết đọc biết viết và làm mấy con tính đơn giản, nên cũng không có nhiều kiến thức để dạy con”. Ông kể, khi các con còn nhỏ, hai vợ chồng ông thay nhau kèm cặp, biết chữ nào dạy cho con chữ ấy. Ông bà không có nhiều chữ để dạy cho con, nhưng có lẽ điều quan trọng là ông bà dạy cho con ý thức tự học, tiếp cho con ý chí vươn lên. Dù không có điện, chỉ một ngọn đèn dầu tù mù nhưng đêm nào các con ông bà cũng thức tới khuya đọc sách.

Đang băm rau lợn dưới nhà, bà Thanh chợt dừng tay, tiếp chuyện: “Ở đây học hành rất khó khăn vất vả. Các con tôi đứa nào cũng bé nhỏ gầy gò mà cõng cái cặp sách to tướng trên lưng, trèo qua mấy quả đồi, tính ra mất 2 tiếng mới đến lớp. Mùa đông ở đây rét buốt thấu xương, vậy mà bọn trẻ vẫn chỉ có mảnh áo mỏng, đi chân đất tới trường, nghĩ mà thương quá. Ấy vậy mà rồi cũng đến ngày chúng vào đại học...”.

Cũng như nhiều gia đình khác trong vùng, cuộc sống của gia đình ông bà gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Không vốn liếng, không ngành nghề, cả gia đình với 7 nhân khẩu đều chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ mấy sào ruộng. Lúc thì đủ, khi thì thiếu ăn. Những người con mỗi tuổi mỗi lớn, không chỉ phải lo ăn mà còn lo chuyện học hành, khiến nỗi lo toan vất vả của cuộc sống ngày càng nặng trĩu trên đôi vai hai vợ chồng. Nhiều khi tưởng phải buông xuôi. Nhưng càng vất vả, ông bà càng quyết tâm nuôi các con ăn học nên người. Bởi theo bà Thanh, chỉ có đường học hành mới giúp gia đình thoát khỏi khó khăn, vất vả, mới có thể giúp dân làng thoát khỏi đói nghèo. Khi cuộc sống tạm đi vào ổn định, cũng là lúc người con cả Chu Thị Phương đỗ Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Biết là tốn kém, nhưng ông bà vẫn cố gắng tăng gia sản xuất, bán bò, bán lợn để chu cấp cho con. Khi bò, lợn đã bán gần hết, Phương học ra trường cũng là lúc Chu Thanh Xuân thi đỗ đại học, rồi năm sau nữa cậu con trai út Chu Minh Đức lại đỗ cả 2 trường Đại học Lâm nghiệp và Học viện Hành chính Quốc gia. Niềm vui và cả gánh nặng lo toan đến cùng một lúc. Thấy bố mẹ vất vả quá, Đức định không đi học nữa, ở nhà giúp bố mẹ nuôi anh, nhưng ông Bích không đồng ý. Ông bảo: “Con đã thấy đời cha mẹ lam lũ vất vả. Con đã thấy bà con mình gian khổ đói nghèo vì thiếu cái chữ. Vì thế, con phải cố gắng học mà thoát khỏi đói nghèo, có cái chữ để cùng đưa bà con mình tiến lên mới được…”. Nghe lời bố mẹ, Đức quyết tâm theo đuổi con đường học tập.

Các con thi đỗ đại học, niềm vui tràn ngập gia đình. Nhưng làm thế nào để có tiền cho con đi học bây giờ? Câu hỏi ấy cứ chờn vờn trong đầu khiến nhiều đêm ông Bích ngủ không yên giấc. Sau nhiều đêm suy tính, cuối cùng ông nảy ra ý định làm nghề thu gom phế liệu. Ở vùng núi xa xôi này, không có người đến thu gom phế liệu. Làm nghề này dù vất vả nhưng cũng có thể kiếm được đôi chút mà dân bản ở đây cũng chưa có ai làm. Nghĩ là làm, ngày nào cũng vậy, hai ông bà dậy rất sớm, chăn lợn, gà, sắp đặt công việc cho các con rồi lên đường thu mua phế liệu. Mỗi bản làng cách nhau hàng chục km, xe máy, xe đạp không đi được nên chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Có những lúc 50 kg phế liệu trên vai, đi bộ tới 20 km đường rừng, đôi chân như rụng rời từng khúc. Lương thực mang theo ăn đường của ông bà là hai gói mì tôm. Đi đến bản, vào nhà người dân xin ít nước, hái lá rau rừng thả vào nấu, ăn xong lại lên đường đi tiếp. Lúc đó, ông Bích chỉ nặng có 48 kg, vậy mà nhiều khi gánh phế liệu nặng hơn 50 kg. Có lúc về đến nhà đã 9 - 10 giờ tối. Hai ông bà chỉ kịp quăng gánh phế liệu, ăn vội bát mì tôm rồi lăn ra ngủ, sớm hôm sau, khi gà vừa gáy sáng lại tiếp tục lên đường.

Nhiều giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của người cha, người mẹ chịu bao nhọc nhằn vất vả ấy. Nhưng, đó không phải giọt nước mắt buồn tủi mà chan chứa hạnh phúc, bởi ông bà đang vun đắp tương lai cho các con của mình. Và phần thưởng cho những ngày gian khó ấy chính là những đứa con ngoan lần lượt bước vào đại học. Hiện nay Phương đang làm ở văn phòng HĐND huyện Nguyên Bình, con trai út Đức cũng đã bước vào năm học cuối.

Bài và ảnh: Quốc Đạt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN