Những nghị lực da cam

Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam là thêm một lần để xã hội ghi nhận ý chí vươn lên của các nạn nhân da cam cũng như sự quan tâm của cộng đồng dành cho họ, cho gia đình họ.
Bệnh tật, nghèo khó không đánh gục được những nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin quái ác.


Người bố nông dân tảo tần

Hình ảnh người cha đầu bạc dìu cô con gái mảnh khảnh, gương mặt biến dạng do một khối u quá lớn đi lại trong hội trường Hội nghị điển hình tiên tiến các nạn nhân da cam do Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tổ chức đầu tháng 7/2011 làm nhiều người xót xa. Cô gái là Đỗ Thùy Dương, 23 tuổi. Ông Đỗ Tấn Phát- cha em- quê ấp Châu Thành- thị trấn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), từng tham gia kháng chiến và đóng quân ở khu 9 (chiến trường miền Tây). Mỗi khi có ai hỏi về con gái mình, những giọt nước mắt lại lăn dài lặng lẽ trên gương mặt khắc khổ của người nông dân Nam bộ này. Khi sinh ra, Dương bình thường như bao đứa trẻ. Đến 5 tuổi, bệnh bắt đầu xuất hiện. Năm con gái lên 8 tuổi, vợ ông Phát bỏ nhà đi. Suốt 20 năm nay, ông Phát một tay cáng đáng từ việc lo ăn học cho đứa con trai đến những sinh hoạt nhỏ nhất của cô con gái. Lúc con gái còn bé, ông Phát dựng bảng dạy chữ cho con.

Ông Đỗ Tấn Phát và cô con gái tật nguyền Đỗ Thùy Dương. Ảnh: Mạnh Minh


Khối u trên mặt Dương vẫn không ngừng lớn và đau nhức thường xuyên. Ông Phát thuê ao nuôi cá, làm rẫy trên bờ, trồng đậu bắp để bán. “Lâu lâu có tiền thì tui đưa nó đi Sài Gòn xạ trị, mỗi lần mấy triệu đó, để nó bớt đau buốt. Nhiều khi chưa có tiền nhưng nhìn con đau, chịu không nổi, phải hỏi vay mượn người ta để đưa con đi”.

Ông thực thà bộc bạch: “Trong quê tui có doanh nghiệp lớn. Mọi người khuyên tui đến liên hệ để xin giúp đỡ. Nhưng nếu người ta giúp mình thì mình cảm ơn, chứ tui thấy làm vậy không nên. Xin xỏ thì mắc cỡ lắm. Thôi thì ráng làm để nuôi con thôi. Giá có ai thương tình giúp đỡ cho con mình được đi phẫu thuật thì mình mừng, chứ tui không ao ước gì hơn”.

Chật vật lo ăn từng bữa nhưng vẫn không thôi hy vọng một ngày nào đó sẽ chữa được bệnh cho con, tấm lòng vì con của ông Phát đã gieo niềm tin cho Dương. Cô gái bất hạnh “chỉ mong có một phép mầu cho em được khỏi bệnh để đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của bố”.

Người con khuyết tật nuôi nhà 8 miệng ăn

Bị khuyết tật vận động do di chứng chất độc hóa học từ cha, Trần Tuấn Việt (sinh năm 1982) quê xã Phú Ân, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi với đôi chân bị liệt đã vượt lên nghịch cảnh, theo học và tốt nghiệp 2 trường đại học. Ra trường, cầm tấm bằng loại khá đi xin việc nhiều nơi nhưng bị từ chối, Việt cố gắng cùng một số anh em khuyết tật mở cửa hàng cơ khí.

“Cửa hàng do em làm là chính. Mấy anh em còn lại không có bằng cấp nên bây giờ em kiêm luôn bày dạy, chỉ nghề. Nhiều lúc máy móc của công ty bị hư, em phải đem về nhà sửa vào ban đêm”, Việt kể. Không chỉ làm thợ, Việt còn làm gia sư cho nhiều lớp dạy các môn toán, lý, hóa. “Em làm tất cả những gì có thể làm”, Việt cho biết. Có ngày Việt dạy 6 ca liên tiếp, kèm cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 và luyện thi đại học, tối về làm ở cửa hàng.

Việt hiện là lao động trụ cột của gia đình. Ba Việt đau ốm liên miên, ngày làm ngày nghỉ. Mẹ Việt bị thoát vị đĩa đệm và vừa mổ xong, ra viện, về nhà không thể làm việc nặng. Không nề hà việc gì, mỗi tháng, Việt kiếm được khoảng 8 triệu đồng để lo cho cuộc sống của cả nhà. Nguyện vọng của Việt là “Mong muốn có nhiều cơ quan đoàn thể trợ giúp để những người khuyết tật, trong đó có các nạn nhân da cam hòa nhập cộng đồng”.

Gia đình ông Phát, gia đình Việt chỉ là hai trong số hàng triệu gia đình da cam trên cả nước đang sống cuộc sống đầy khốn khó. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin, đối tượng nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam hiện nay rất lớn: nạn nhân là người tham gia kháng chiến, con của họ sinh ra dị dạng dị tật; nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc hóa học; những người phục vụ trong chính quyền Sài Gòn những năm chiến tranh. Có 60% người nghèo là nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam. Nhưng nhiều người vẫn bền bỉ nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận, sống có ích. Nỗ lực ấy đang chờ mong được tiếp lửa, hy vọng ấy đang cần nhiều hơn sự cảm thông từ phía cộng đồng.

M.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN