Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Bài cuối: Hướng dần đến tự chủ

Cùng với phương án thay thế dần ngô, lúa mỳ bằng lúa, gạo để từng bước giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tính đến, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần linh hoạt nhiều biện pháp để hướng dần đến tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Cân nhắc khai thác lợi thế từ lúa, gạo


Chủ động sản xuất và cung cấp thức ăn cho chăn nuôi từ việc tối ưu hóa nguồn nguyên liệu trong nước chính là đòi hỏi hiện nay, nếu muốn ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng là sử dụng thóc, gạo và phụ phẩm của ngành chế biến thóc để thay thế cho ngô, lúa mỳ và một số nguyên liệu nhập khẩu. Theo GS. Vũ Duy Giảng, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, thật là một nghịch lý khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm đạt 3,7 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại gần bằng con số này, 3 tỷ USD.


Các nhà khoa học đều chung nhận định, xét về mặt dinh dưỡng và về mặt giá cả, thóc gạo hoàn toàn khả thi trong việc thay thế ngô hay hạt mỳ trong khẩu phần thức ăn cho lợn và gia cầm. Hàm lượng protein trong gạo lật là 9%, cám gạo là 12% có thể so sánh được so với ngô (10%) và lúa mỳ (12%).


Tuy vậy, GS.TS Từ Quang Hiển (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, việc sử dụng gạo thay thế ngô trong thức ăn chăn nuôi là được và tốt nếu bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng mà gạo còn thiếu so với ngô như: protein thô, threonin, sắc tố, đồng thời giá thóc phải không vượt quá 5.500 đồng/kg.


Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là giá thành gạo lật đã được xay xát và vận chuyển khoảng 7.600 đồng/kg, trong khi giá ngô khoảng 7.300 đồng/kg. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nguyên liệu lúa gạo sẵn có trong nước sản xuất thức ăn chăn nuôi, cần có biện pháp giảm giá thành sản xuất lúa. “Nếu xét về hiệu quả và chi phí, sử dụng thóc gạo sẽ không có lợi bằng ngô và lúa mì, kể cả về mặt dinh dưỡng cũng như giá thành. Nhưng nếu cân nhắc sử dụng loại nguyên liệu này, cần có sự quản lý chặt chẽ về năng suất và cạnh tranh về giá thành”, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Phát triển sản phẩm của Tập đoàn Cargill nói.

 

Cần nhiều chính sách khuyến khích


Nhiều khuyến nghị đã được các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra. Theo GS.TS Từ Quang Hiển, để sử dụng gạo thay thế ngô làm thức ăn chăn nuôi lâu dài cần phải chọn và sản xuất các giống lúa có năng suất cao, đòi hỏi thâm canh không cao nhằm hạ giá thành thóc sử dụng cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần thay đổi công nghệ và thiết bị xay xát để sản xuất gạo lật phục vụ chăn nuôi; yêu cầu các cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp bổ sung đầy đủ các chất mà gạo thiếu so với ngô; phát triển ngành sản xuất bột lá thực vật giàu sắc tố (bột lá sắn, keo giậu…) nhằm giảm nhập sắc tố tổng hợp từ nước ngoài. “Việc này vừa có ý nghĩa phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, vừa làm tăng hiệu quả chăn nuôi, lại bảo đảm an toàn thực phẩm”, GS. Từ Quang Hiển khẳng định.


Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh sản xuất lúa hàng hóa cho xuất khẩu, cần quy hoạch vùng sản xuất lúa dùng cho thức ăn chăn nuôi. Trong đó nghiên cứu, chọn tạo, gieo trồng các giống lúa có năng suất cao, chất lượng trung bình và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành lúa gạo.


Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Chăn nuôi, để thực hiện giải pháp giảm giá thóc, gạo và hạn chế nhập ngô và lúa mỳ thì trước mắt, Nhà nước cần có hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người trồng lúa nếu họ gieo trồng những giống có năng suất cao và khi bán trực tiếp cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thì họ được bù giá. Với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên ưu tiên cho họ vay vốn và được hưởng lãi suất ưu đãi để mua thóc gạo trong mùa thu hoạch lúa. Đồng thời, cần hình thành mối liên doanh liên kết giữa nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và người nông dân để đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Như vậy, nông dân có thể bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, bớt khâu trung gian, khi đó, giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ giảm.

 

Cần tính đến nguyên liệu thay thế


TS. Dương Duy Đồng (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho rằng không nên đặt vấn đề quá cụ thể là tìm kiếm một nguyên liệu nào đó để thay cho một hoặc một vài nguyên liệu nhất định.


Để giảm bớt lượng ngô, lúa mỳ nhập khẩu, theo TS. Dương Duy Đồng, nên tìm các giải pháp sao cho tổng nhu cầu về hạt ngũ cốc giảm bớt, thông qua các giải pháp tăng khả năng tiêu hóa của nguyên liệu, tăng khả năng tính toán sử dụng hợp lý các nguyên liệu từ nhà máy thức ăn chăn nuôi hoặc tăng sản lượng hữu dụng các nguyên liệu cung cấp năng lượng sẵn có trong nước như sắn, mỡ cá… Chẳng hạn, với nguyên liệu sắn, bã sắn có giá trị năng lượng khá cao, cần có những nghiên cứu để đề xuất giải pháp tăng tỷ lệ nguyên liệu này trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lên 25 - 40% thay vì chỉ 10 - 20% như hiện nay. Đồng thời, cần có dự báo mức độ sản xuất và tiêu thụ sắn để có giải pháp bình ổn sản lượng và giá cả, tránh sự tăng giá đột biến rồi sau đó lại giảm mạnh làm suy giảm diện tích trồng sắn trong cả nước.


Nếu đặt mục tiêu là giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nên có nhiều “động tác” kèm theo. Trước tiên là khảo sát tiềm năng sản xuất của tất cả các nguyên liệu thức ăn như: lúa gạo và các phụ phẩm (cám, tấm), ngô, sắn, các phụ phẩm của công nghệ sản xuất thực phẩm như bã rượu, bã đậu tương, bã ngô… Không chỉ khảo sát về diện tích, năng suất, sản lượng mà cần có các thông số để dự đoán khả năng trong tương lai chừng 5 - 10 năm tới của các nguồn nguyên liệu đó.


Theo đại diện một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thị trường luôn biến động nên việc tìm kiếm các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề là không phụ thuộc vào một hoặc hai nguyên liệu mà phải tiếp tục đầu tư công nghệ nhằm sử dụng được nhiều nguyên liệu mới trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.


Mạnh Minh

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Bài 2: Không nên quá lo ngại về việc nhập nguyên liệu

Theo TS. Trần Quốc Việt (Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT), với nhu cầu ngày càng tăng, việc nhập khẩu nguyên liệu là dễ hiểu và không nên quá lo ngại. Tuy nhiên, lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là không tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN